21 tháng 1, 2015

DẠO CHƠI HỘI CHỮ XUÂN ẤT MÙI


DẠO CHƠI HỘI CHỮ XUÂN ẤT MÙI

I. ĐÔI NÉT VỀ TỔ CHỨC

Hội chữ Xuân Ất Mùi có gì khác so với các năm?
Khác và rất khác!
Cái khác thứ nhất là năm nay Ban tổ chức lễ hội Văn Miếu Quốc Tử Giám(BTC) gom tất cả các thầy đồ và các họa sỹ vẽ chân dung vào trong khu vực Hồ Văn hành nghề. Không cho ngồi ở rệ đường quanh Văn Miếu Quốc Tử Giám như mọi năm. Địa bàn đó Phường sử dụng vào việc trông giữ xe cho khách vào tham quan. Cũng có ý kiến cho rằng như thế Hà Nội không còn hình ảnh ông đồ già với “... Mực Tầu và giấy đỏ / Trên phố đông người qua”. Nhưng nhìn chung dư luận đánh giá đây là một việc làm tốt đáng được hoan nghênh.
Cái khác thứ hai lớn hơn là BTC, tổ chức cuộc thi hay sát hạch gì đó cho các thầy đồ và họa sỹ. Cuộc sát hạch các thầy đồ ta viết chữ ta, họa sỹ không ngặt nghèo lắm, chỉ cần chữ ngoằn ngoèo một tý, sáng sủa một tẹo là được. Đây là tôi võ đoán thôi nhé: Chữ ta ai cũng biết, thầy đồ viết sai là người ta túm được ngay. Còn như cái chuyện xấu đẹp mỗi người một ý, để cho chính người mua thẩm định. Không như mấy cái chữ Tầu rất ít người biết; nghe BTC nói các năm trước đây nhiều người mua phải chữ nho giả(viết sai).
Nội dung sát hạnh thầy đồ ta viết chữ Tầu nghe nói cũng đơn giản. BTC soạn bộ đề; ở mỗi phiếu có 4 chữ VIỆT khác nhau, ai bốc được đề nào thì dịch và viết bốn chữ đó bằng chữ nho. Tôi trộm nghĩ với các ông đồ già, nhiều năm bán chữ kiếm tiền thì bốn chữ có là cái gì? 
Lầm và lầm to!
Kết quả cuộc thi thầy đồ ta viết chữ Tầu có tới 60% người bị loại, trong đó có cả những ông đã ngồi bán chữ ở Văn Miếu hàng chục năm nay. Để đơn giản tôi chia các thầy đồ trượt ra làm hai loại:
- Số thầy đồ viết được đủ bốn chữ nhưng sai từ một đến ba chữ.
- Số thầy đồ chỉ viết đúng được một đến ba chữ, còn lại để trống.
Đấy là chưa nói đến chữ đẹp, xấu khác nhau và bố cục bài viết, rồi dấu triện đóng vào bài viết v...v và v...v....
Thấy kết quả đỗ thấp quá, tôi làm thử một cuộc điều tra nhanh. Trong số các thầy đồ dự thi phần lớn là các thầy đồ có thâm niên bán chữ ở Văn Miếu nhiều năm. Một số khác là các môn sinh các lớp chữ nho tự phát, các CLB Hán Nôm... 
Các cụ đồ tuổi cao, sức yếu, trí nhớ có phần giảm sút, các cụ thường dùng từ điển hỗ trợ, nay BTC không cho dùng từ điển nên - Trượt. 
Một số môn sinh mới học vài năm không đủ vốn từ - Trượt. 
Đặc biệt có một bộ phận môn sinh láu tôm, láu cá đã tu luyện một số chữ thông dụng như: PHÚC - LỘC - THỌ - AN - KHANG - HỌC - HIẾU - ... - ... nếu cứ để họ viết thì kiếm tiền được, nay phải thi thì - Trượt.
...
Không hiểu cách tổ chức này BTC mới nghĩ ra hay nghĩ ra đã lâu, mà đến sát tết mới tổ chức thi. Thế cho nên khi thi xong BTC với các đậu cử viên không có thời gian tổng kết, tổng cò. Thiên hạ không được chiêm ngưỡng cảnh “... bà đầm ngoi đít vịt” và ông cử cũng không có cơ hội “...ngỏng đầu rồng”. Bởi BTC cũng còn nhiều việc phải làm, nhất là các thành viên BTC có chân trong đội ngũ được bán chữ, ví như các đại biểu đương nhiên trong các hội nghị ấy mà. Họ hòa cùng các đậu cử viên mải miết đi nhận vị trí cắm lều, mua lều chõng, căng lều, dựng lều, sắm sanh bút mực, giấy má.... để hành nghề.
Các sỹ tử sau khi trúng cử trở thành đậu cử viên được nhận một cái thẻ, trong đó ghi một số thông tin cá nhân và một ảnh ba bốn. Thẻ được treo vào một cái dây đeo vào cổ giống như các thẻ công chức, đại biểu các hội nghị quan trọng, bề thế ấy... trong lúc hành nghề. Để BTC kiểm tra phát hiện các thầy đồ không qua thi cử hay thi trượt gian lận hành nghề lậu.
Thời gian hành nghề từ hai mươi tháng chạp năm trước đến rằm tháng giêng năm Ất Mùi là hai mươi lăm ngày tất cả.

II. DẠO HỘI

Năm nào tôi cũng vãng cảnh hội chữ xuân. 
Không mua, không bán chữ, không bình luận khen chê; chỉ đứng ngắm, ngắm chán thì đi. Thấy bức nào chữ đẹp, lời hay chụp một kiểu ảnh về xem. Thấy lều nào đông khách, thầy đồ đẹp, cô đồ xinh ngắm tý hay có cảnh ngộ nghĩnh chụp một kiểu ảnh về đưa lên blog cho vui. Thấy tôi chăm chú ngắm nhìn có người mời tôi viết một chữ; cú mời đầu tiên tôi hơi bí, sau quen tôi thường nói: 
- Cụ thư thư cho, tôi cũng muốn viết một hai chữ nhưng chưa chọn được chữ ưng ý.
Nói thì nói vậy chứ thật tình tôi không có hứng chơi các loại chữ mà tôi không đọc được. Tôi có quen một vài thầy đồ viết chữ trong hội chữ xuân này, năm nào họ cũng tặng tôi một chữ. Mang về tôi có treo đâu, tôi cuộn lại cất đi; họ hỏi tôi cáo lý do nhà chật không có chỗ treo. Mà quả là nhà chật thật, treo ở chỗ nào cũng cảm thấy lạc lõng. Năm nay họ lại tặng tiếp và tôi lại cuộn cất đi tiếp. 
Người ta cứ bảo chữ nho là chữ thánh hiền, tôi thì tôi bảo gọi thế là sai. Nếu chữ nho là chữ thánh hiền thì sao ta không sử dụng chữ nho làm Quốc ngữ; mà lại dùng chữ ta đang dùng làm Quốc ngữ, gọi nó là Quốc ngữ. Tôi cho là dân ta hiếu kỳ quá, bụt chùa nhà không thiêng mà thôi.
Có một lần tôi đi vãng cảnh chùa, khi ngồi nghỉ ở một quán nước đối diện với bàn một thầy đồ đang viết sớ cho một bác trung niên. Bác này cao gầy, thân thể óng ả, dáng phong lưu, ăn vận Comle ca vát lịch sự. Khi nghe giọng nói ồm ồm, khô khốc của bác trong đoạn hội thoại sau thì đổi lập hẳn với dáng vóc của bác:
- Tôi không lấy tờ sớ này đâu! 
- Ông bảo tôi viết, tôi viết xong sao ông không lấy? 
- Ông viết có đúng đâu mà tôi lấy?
- Ông bảo tôi viết thế nào tôi viết thế, ông lại bảo không đúng, căn cứ vào đâu mà ông bảo không đúng. Ông có biết chữ thánh hiền không mà giám khẳng định thế? Hay là trong túi không có tiền lại sỹ?
Bác khách hàng rút một tập tiền mệnh giá năm trăm ngàn đồng, dễ còn nguyên trăm tờ đập đánh bốp xuống mặt bàn nói:
- Này này mấy chục ngàn tiền sớ của ông là cái đinh, mà tôi cũng chả biết cái chữ “thánh hiền” của các ông là cái gì? Tôi chỉ biết ông không đọc lại được các chữ “thánh hiền” mà ông đã viết ra là ông viết không đúng. 
Bác ta giằng tờ sớ trên tay thầy đồ huơ huơ lên định nói cái gì tiếp thì thấy thầy đồ lấy lại tờ sớ vẫy tay hẩy ra; ra hiệu cho bác khách hàng đi đi. Bác khách hàng cũng không nói gì nữa cúi xuống nhặt tập tiền lững thững đi ra. Thấy bác vừa đi vừa tủm tỉm cười, tôi lấy làm lạ vẫy tay mời bác vào quán uống nước. Tôi nói:
- Vào đây uống chén nước cho hạ hỏa đi.
- Có hỏa lửa gì đâu mà hạ hả bác. 
- Thôi cất tiền đi, hôm nay tôi chiêu đãi bác tiền nước, bác uống gì?
- Cám ơn bác, thế thì em xin bác chén nước chè nóng nhé!
Qua câu chuyện tôi biết bác khách hàng là “Tỷ phú đất”; sau khi chia tiền đền bù đất cho con làm nhà, cấp lưng vốn làm ăn cho chúng chu đáo. Số còn lại bác đưa vào hai quỹ là bảo hiểm y tế, tang ma của hai vợ chồng già và quỹ ăn chơi nhảy múa. Nói nôm na thì thế nhưng bác chỉ đi lễ chùa mà cũng thi thoảng thôi chứ ham hố quá mấy tý mà sụt quỹ. Thấy bác nói vậy tôi bật cười, ngả người về phía sau không được bác nhanh tay đỡ lại thì ngã. Tôi vỗ vai bác nói:
- Chắc bác rút được kinh nghiệm của các “Tỷ phú đất” đàn anh nên khôn gớm.
- Vưỡn! Bác vừa cười vừa trả lời. Thấy bác vui vui tôi lựa lời hỏi:
- Chắc bác cũng biết chữ nho, thấy thầy đồ viết sai bác bắt đọc lại để cảnh cáo phải không?
- Đâu có, đến chữ ta tôi còn chả thạo nói gì cái chữ Tầu khựa này. Rồi bác tuồn tuột kể ra:
- Các năm trước tôi hay mua chữ về treo, năm nào bạn bè tôi đến cũng chê sai. Chữ nhỏ chê sai đã đành, có bức sai cả chữ to mới tức. Thật là chả biết thế nào mà lần các bác ạ. Còn cách làm này tôi được ông hàng xóm truyền cho đấy.
Dừng lại một chút, như để đắn đo điều gì bác kể tiếp:
- Năm kia tôi chắn tuổi sáu mươi, thôi thì cũng gọi là làm dăm mân mời họ hàng, bạn hữu đến cho vui. Trong số các khách mời có mấy ông nhà thơ, họ tặng tôi mấy bài thơ chúc thọ đọc lên nghe rất hay. Tôi cho các cháu in to ra, lắp vào khung kính treo cho đẹp. Nào ngờ chú em tôi về đọc thơ không những không khen mà bắt tôi hạ xuống ngay. Theo chú em nói hai bài thơ lục bát thì lời hay, ý đẹp. Còn ba bài thơ đường luật là họ dùng các điển tích từ thời Xuân Thu Chiến Quốc, thời Đường nào đó nói xấu bác đấy. Nhưng thôi cũng không có gì nặng nề lắm đâu, bác nghe em hạ xuống rồi cho qua. Mai em sang nói chuyện với các bác ấy. Ở nhà các ông ấy về chú em căn dặn bác không nên trách cứ họ làm gì, chính họ cũng không biết chứ không có ý xỏ xiên bác đâu. Cũng may chú em tôi là nhà thơ thứ thiệt, các nhà thơ xóm nể phục nhận thiếu xót ngay. Mấy hôm sau mấy ông thơ Tầu đểu sang tôi xin lỗi, nói lời thông cảm. Thế mới biết cái chữ Tầu phức tạp thật.
Trở về với hội chữ xuân Ất Mùi. 
Gần như ngày nào tôi cũng tôi cũng dạo một hai vòng quanh Hồ Văn. Khi thì chậm rãi ngắm quang cảnh hội, lúc rẽ vào các lều xem viết. Tôi chú ý đến các bức đại tự, các bức tranh trưng bày quanh hồ ngắm nhìn và suy ngẫm. Hôm tôi rẽ vào lều của CLB Thảo Đường xem thày giáo của bạn tôi viết chữ. Thế nào tôi chụp được hai kiểu ảnh về thày giáo, khi xem ảnh ông khen đẹp, bố cục tốt và ngỏ ý xin lại. Được khen hôm sau tôi xuất ảnh phóng to bằng khổ giấy A4, ép lactic tặng ông. Ông mừng lắm cám ơn rối rít và ngỏ ý gửi tiền. Tôi cười nói:
- Anh là thày giáo của bạn tôi, quý anh tôi làm tặng thôi. Còn cái nghề nhiếp ảnh này Thánh chưa cho tôi ăn lộc. 
Thấy tôi nói thế ông ngả người cười và nói lời cám ơn.
Bẵng đi mấy hôm không ra hội chữ xuân, nghe nói mấy ngày đó hết hạn nghỉ tết Cán bộ công nhân viên các tỉnh trả phép, học sinh, sinh viên tựu trường hội rất đông khách. Các thầy đồ, họa sỹ kiếm chác khá. Sang đến hôm nay mồng mười thì khách đã vãn, các lều thưa thớt chỉ có vài khách dạo chơi. Tôi lững thững đi dạo, đang thả hồn vào những suy nghĩ miên man thì nghe thấy một giọng nói nữ khá to, rành rọt:
- Làm trai mà không có chút rượu, chè, gái gú hay cờ bạc thì sao gọi là đàn ông. 
Tôi giật mình đánh thót quay lại thì thấy một nữ sỹ ta viết chữ Tầu khoảng tuổi ngũ tuần áo the khăn xếp và một thầy đồ ta viết chữ Tầu khoảng lục tuần ngồi ở hai lều sát nhau chụm đầu nói chuyện. Không hiểu trước đó họ nói chuyện với nhau những gì mà để cô đồ này phát biểu xanh rờn như vậy. Tôi dừng chân ngắm cho kỹ thì thấy cô không xinh lắm, nhưng được cái đẫy đà, mặt mũi sáng sủa, mắt sáng long lanh... Thấy tôi nhìn vào lều cô nữ sỹ mời:
- Mời bác vào trong này chơi xơi nước với chúng em.
- Cám ơn cô để khi khác, hôm nay tôi hơi mệt. Tôi nhã nhặn từ chối:
Tôi lại tiếp tục lững thững đi, rẽ vào lều của bạn tôi chơi kể câu chuyện vừa nghe được. Họ bảo may mà bác không vào, không có bác mất cái trinh trắng của một đời trai như chơi. Tôi cứ suy nghĩ mãi, sao một người học chữ gọi là chữ thánh hiền mà nói những điều kém hiểu biết đến vậy. Thế thì chữ nghĩa của cô viết mua về nhà treo có linh nghiệm không?
Tôi lại lang thang sang các lều thư pháp Việt, loại chữ này phần lớn là lớp trẻ một số đã qua các trường mỹ thuật, hội họa. Họ vừa viết chữ, vừa vẽ tranh tại chỗ, trông khá bắt mắt. Tôi ngồi khá lâu ở một vài quán xem để học tập và chụp được nhiều ảnh đẹp ở đây. Một nét mới của thư pháp Việt là năm nay xuất hiện thêm một hai cây viết già, trong khi không có khách họ viết một số bài thơ lục bát cặp đôi, thơ HaiKu Việt, những câu danh ngôn... thêm vào đó một bức tranh minh họa đơn sơ. Lều của họ thu hút được nhiều khách trẻ, người yêu thơ.
Tổng kết hội chữ xuân Ất Mùi tuy không mua cái gì mà vẫn tốn trên ba trăm ngàn đồng. Trong đó một trăm cho in ảnh tặng, hơn hai trăm là tiền gửi xe máy(mười ngàn đồng/xe/lượt - ngày thường có ba ngàn đồng), mua vé đưa các cháu vào thăm Văn Miếu Quốc tử giám. Cho các cháu nắm cổ rùa dưới chân con hạc để các cháu hiếu học, học giỏi. Chụp ảnh cho các cháu và cho các cháu tập chụp ảnh cảnh quan Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Hội chữ xuân Ất Mùi đã qua, tôi rút ra được một nhiều bài học; trong đó bài học sâu sắc nhất là:
- Các thầy đồ học chữ, học thư pháp, bán được chữ, kiếm được tiền.
- Các nhà thơ học làm thơ, tự bỏ tiền in thơ, rồi bán không ai mua, cho không ai lấy... Chỉ được mỗi cái gọi là vui thôi và cái gì đi theo cái vui ấy:



HAM VUI
Bởi chưng cái tính ham vui
Cộng dồn đến tận cuối đời bằng không./.

Tôi không phải là nhà thơ và cũng mới yêu thơ thôi; mà sao đã ứng nghiệm với câu thơ trên vậy. Oan cho tôi quá trời ơi!
Gọi là đôi dòng tâm sự cùng các bạn. Trong khi núng thế, có gì sơ xuất mong được lượng thứ.
Trong khi núng thế, có gì sơ xuất mong được lượng thứ.
Hà hà hà

2 nhận xét:

  1. Sang năm anh sẽ không được tặng chữ nữa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng quá cái ông ngang phè này ấy mà.
      Cám ơn em nhé.
      Chúc em vui khỏe và lập blog để anh đến thăm cho vui.

      Xóa