7 tháng 1, 2016

CHUYỆN LY KỲ VỀ MỘT BÀI THƠ

CHUYỆN LY KỲ VỀ MỘT BÀI THƠ
Trần Thu Hằng (*)
                                                                     
Chàng là một sinh viên Việt Nam tài hoa với rất nhiều tài lẻ, du học tại Rumani những năm 60 cuả thế kỷ XX. Nàng là sinh viên người bản xứ, xinh đẹp, tóc vàng, mắt biếc. Như duyên trời định, họ bất ngờ gặp và quen nhau trong một kỳ nghỉ hè bên bờ Biển Đen. Và họ yêu nhau. Tình yêu nồng nàn đắm say của tuổi trẻ dạt dào như sóng biển. Thế nhưng, do hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ quá khắc nghiệt, chàng bị “tổ chức” bắt buộc phải chia tay nàng mà không được tiết lộ với người yêu nguyên do… Bỗng dưng chàng biến mất, cô gái đã phát bệnh tâm thần và lang thang đi tìm người yêu ở tất cả những nơi trước đây 2 người đã từng hò hẹn, từng chỉ non thề biển… Chàng trai đau khổ đến tột cùng khi phải câm lặng chứng kiến nỗi đớn đau vì bị phụ tình của cô gái trong trái tim mình, chàng đã bật lên những lời thơ, mà lúc ấy chàng không hề nghĩ rằng nó đã lập tức trở thành những áng thơ tình bất hủ và sau này còn được bình chọn là một trong những bài thơ tình hay nhất thế kỷ XX…

*Rụt rè… vụ kiện đòi nhận bản quyền của “thi phẩm bất hủ”
 Hơn 30 năm qua, các thế hệ sinh viên VN, đặc biệt là SV miền Bắc và những người yêu thơ đã cực kỳ yêu thích bài thơ “Em đi tìm anh trên Bán đảo Ban- căng”, một bài thơ tình với những lời thơ nồng nàn, da diết: “Em đi tìm anh trên Bán đảo Ban-căng/ Tìm không thấy chỉ thấy trời im lặng/ Một mình em trong màn đêm thanh vắng/ Tim bồi hồi chân bước vội dưới trăng”. Chúng tôi đã thuộc, đã chép cho nhau, truyền tay nhau những câu thơ tình bất hủ, mặc dù không biết tác giả là ai, nhưng ai cũng nghĩ rằng đó là câu chuyện tình của những chàng trai cô gái châu Âu xa xôi. Cho đến năm 1990, khi NXB Văn hoá cho ấn hành cuốn sách Almanach Người mẹ và phái đẹp, trong mục “Những bài thơ tình hay của Việt Nam và thế giới” đã tuyển chọn bài thơ này và ghi rất rõ tác giả là Onga Becgon (một nữ thi sỹ nổi tiếng của nước Nga) thì chúng tôi càng hồn nhiên tin rằng đó là một tác phẩm xuất sắc của thi ca châu Âu, mặc dù NXB không ghi rõ ai là dịch giả.
 Thật bất ngờ, cuối năm 2004, trong một lần gặp gỡ bạn bè thân thiết ở TP Hồ Chí Minh ra công tác Hà Nội, vô tình tôi được tiếp xúc với kỹ sư hóa học Khổng Văn Đương. Thấy chúng tôi nói chuyện văn chương, Khổng tiên sinh rụt rè thổ lộ rằng thời trẻ ông cũng từng làm thơ, ông có bài thơ “Em đi tìm anh trên Bán đảo Ban-căng” được in trong cuốn Almanach, nhưng tiếc rằng NXB lại nhầm là của Onga Becgon. Chúng tôi vô cùng sửng sốt. Nhưng sau khi nghe ông kể lại toàn bộ câu chuyện tình của ông khi còn là chàng SV Việt Nam trên đất Rumani với cô gái người bản xứ tóc vàng, bi kịch bị ép buộc phải từ bỏ tình yêu của mình và bức thư oán trách của cô gái đã là khởi nguồn cho bài thơ ra đời, thì chúng tôi đã thực sự bàng hoàng kinh ngạc. Và chúng tôi càng kính trọng tác giả của bài thơ hơn khi biết rằng suốt mấy chục năm qua, ông đã giữ im lặng hoàn toàn, cho dù hàng triệu người yêu thơ cũng như rất nhiều nhà xuất bản nghiễm nhiên coi “đứa con tinh thần” của ông là của người khác. Thấy chúng tôi chân thành khuyên ông nên làm đơn gửi kèm các chứng cứ đến Trung tâm quyền tác giả văn học (thuộc Hội Nhà văn VN) yêu cầu xác minh, chứng nhận bản quyền, Khổng Văn Đương rụt rè thổ lộ: ngay sau khi cuốn Anmanach do NXB Văn hoá xuất bản, ông đã viết một bức thư định gửi cho NXB yêu cầu đính chính, nhưng đắn đo mãi đến nay vẫn chưa gửi.
           
*Chuyện tình không biên giới của chàng SV Việt
 Khổng Văn Đương sinh năm 1945, tuổi ất Dậu, quê ở Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Ông không chỉ học rất giỏi mà còn làm thơ hay. Đến nay ông vẫn còn lưu giữ nhiều bài thơ trong số hơn 100 bài do ông sáng tác, từ sáng tác "đầu tay" khi còn là HS phổ thông cho đến khi ông phải "ngửa mặt lên trời than rằng "từ nay ta không làm thơ nữa" và bẻ gãy cây bút vào năm 1969 bởi nỗi lòng đau khổ vì yêu"- theo như ông tâm sự. Năm 1965 ông được Bộ Giáo dục chọn đi học Đại học Hoá học tại trường Đại học Bách khoa Georges Dej Bucarest Rumani. Số phận run rủi hay duyên kỳ ngộ khiến mùa hè năm 1966 khi đi nghỉ mát tại Biển Đen, Khổng Văn Đương đã gặp Valentina một cô gái Rumani tóc vàng hạt dẻ, mắt xanh, cô 17 tuổi học sinh lớp 12.
 - Một năm sau, vào dịp nghỉ hè năm 1967, Valentina lên nhà ông chú ở Bucarest chơi, ngay chỗ tôi đang học. Nàng gọi điện cho tôi đến chơi. Run bắn lên vì sung sướng, tôi vội vàng đi gặp nàng. Chúng tôi đã gắn bó với nhau suốt kỳ nghỉ hè. Đó là một thời gian tuyệt đẹp - Khổng tiên sinh bồi hồi nhớ lại. Tình yêu của hai chúng tôi nảy nở tốt đẹp, chúng tôi yêu bằng cả trái tim chân thành và trong sáng. Tôi đã cùng người bạn học thân thiết là anh Doanh về thăm nàng tại quê vào mùa đông năm 1967. Hôm đó bão tuyết mịt mùng, khi thấy tôi, nàng mừng đến nỗi nhảy chồm lên ôm lấy tôi, rồi nàng giới thiệu tôi với bố mẹ. Sau đó mỗi lần tôi đến chơi, mẹ nàng lại cho lúc giỏ táo, lúc trứng gà, lúc rượu trái cây. Nhưng tiếc rằng thời điểm đó chiến tranh chống Mỹ của nhân dân ta đang vào giai đoạn khốc liệt, nên chuyện yêu đương của bất cứ một SV Việt Nam nào với người bản xứ đều không được Ban chấp hành Đoàn và tổ chức SV tại Rumani chấp nhận. Tôi bị tổ chức phát hiện, bắt làm kiểm điểm và yêu cầu phải chấm dứt quan hệ. Thấy rõ nguy cơ nếu tiếp tục duy trì tình yêu thì sẽ bị trục xuất về nước, lúc đó thì gia đình, họ hàng dòng tộc chắc không ai thèm nhìn mặt tôi nữa, vả lại thâm tâm tôi cũng thấy phần nào có lỗi với các chiến sỹ ta đang chiến đấu ở chiến trường khốc liệt, do đó trong một lần đi chơi với Valentina, tôi đã đề nghị và quyết định hai chúng tôi phải cắt đứt quan hệ mà không nói lý do thực. Tôi hoàn toàn không ngờ việc đó đã gây ra một hậu quả rất đau buồn đối với nàng. Sau đó khoảng nửa tháng, tôi nhận được một lá thư  của Valentina với lời lẽ hết sức bi thiết và oán hận. Xúc động trước tình cảm chân thành, tha thiết này, tôi đã viết bài thơ "Em đi tìm anh trên bán đảo Bancăng" chỉ trong một buổi chiều. Bài thơ đã phỏng lại gần như toàn bộ nỗi niềm ai oán, giận hờn của Valentina thể hiện trong thư nàng và tâm hồn tôi lúc đó cũng vô cùng trơ trọi, trống vắng. Một điều hết sức đau khổ nữa là sau cú sốc đó, đang là SV trường Đại học Tổng hợp Bucarets, Valentina bị ngẩn ngơ đến nỗi phải nghỉ học mất một năm. Còn tôi bị tổ chức tịch thu tập thơ (trong đó có khoảng 50 bài tôi viết cho nàng), cả thư từ, ảnh chụp với nàng. Vì vậy tôi đã bẻ bút, thề không làm thơ nữa… Và cho đến nay, 40 năm trôi qua, tôi quả thực không hề làm một câu thơ nào nữa, nhưng tôi có thể sẽ công bố một số bài thơ sáng tác lúc còn… chưa bẻ bút…

*Kết thúc có hậu chính từ tình yêu đẹp trong cuộc sống
  - Vậy thời gian sau đó ông có thông tin gì về nàng không?
  - Sau khi về nước công tác, tôi vẫn canh cánh trong lòng nỗi niềm và lo lắng cho nàng. Nhưng thật may mắn, năm 1979, có dịp đi công tác tại Tiệp Khắc, tôi đã hồi hộp tìm kiếm cơ may gặp lại nàng. Đến Tiệp Khắc, tôi liền điện thoại tìm nàng. Mấy hôm sau nàng đã cùng chồng và một đứa con có mặt tại Tiệp Khắc thăm tôi. Lúc ấy nàng đang làm việc tại Hội hữu nghị Rumani-Đức. Tôi thật vui mừng khôn xiết vì nàng khoẻ mạnh, vẫn xinh đẹp và đã có hạnh phúc gia đình, không như tôi vẫn canh cánh lo cho nàng…
 Câu chuyện tình của Khổng Văn Đương quả có một kết thúc có hậu, và câu chuyện về bài thơ bị thất truyền của ông cũng đã kết thúc có hậu. Đó là sau khi nghe theo lời khuyên của chúng tôi, ông gửi hồ sơ đến Trung tâm Bản quyền của Hội Nhà văn VN, Trung tâm đã xác minh, và bài thơ “Em đi tìm anh trên Bán đảo Ban-Căng” đã được trả lại tên cho khổ chủ, Khổng Văn Đương được cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả.
 Nhưng còn một bất ngờ nữa mà chàng thi sỹ từng “bẻ bút rồi ngửa mặt lên trời thề không làm thơ nữa” này không hề ngờ tới, đó là khi câu chuyện về tác giả đi tìm lại bản quyền thơ sau gần 40 năm của ông được chúng tôi đăng tải trên một tờ báo, lập tức có hàng nghìn bạn đọc ở khắp nơi trong nước và nước ngoài đã gửi thư, điện thoại liên hệ với ông và với toà soạn. Nhiều người bạn cùng học biết rõ về ông, về hoàn cảnh và xuất xứ bài thơ thì vui mừng vì tìm lại được bạn cũ sau mấy chục năm xa cách, còn những người khác là SV cùng thế hệ với ông tại Rumani, thuộc bài thơ, yêu quý bài thơ nhưng không hề biết mặt tác giả, hoặc quên mất tên tác giả, dù họ đều biết xuất xứ bài thơ là của một chàng SV Việt sáng tác tại Rumani. Khổng tiên sinh vui vẻ khoe:
 - Ông Lâm Quế- nguyên là Bí thư thứ 2 Đại sứ quán VN tại Rumani phụ trách lưu học sinh thời ấy, cũng vừa đến thăm và an ủi tôi "Khổng Văn Đương nên coi chuyện cũ là một kỷ niệm...".
  - Thế là nhà hóa học Khổng Văn Đương bỗng nổi tiếng như cồn với tư cách một nhà thơ có tác phẩm bất hủ của thế kỷ?
 Cuộc đời quả không định trước. Tôi bỗng nhiên gặp các bạn, khiến "máu" văn chương nổi lên, thế là đem câu chuyện gần 40 năm không ai biết ra kể. Thực ra cũng đã có lúc tôi định gửi thư cho NXB Văn hoá sau khi họ in Amanách, nhưng tôi lại sợ không ai tin mình chứ. Khi các bạn khuyên tôi nên gửi đơn đến Trung tâm bản quyền, tôi cũng làm theo với suy nghĩ không nhằm đòi hỏi một quyền lợi gì về vật chất mà chỉ mong bất kể ai cũng có thể sao chép vào những mục đích tuyên truyền văn hoá lành mạnh, tôi chỉ muốn bài thơ thêm chút thi vị và những bạn yêu thơ có quyền biết về nguồn gốc ra đời của tác phẩm…





Em đi tìm anh
trên bán đảo Ban-căng

                                                Khổng Văn Đương

Em đi tìm anh trên bán đảo Ban-căng
Tìm không thấy chỉ thấy trời im lặng
Một mình em trong màn đêm thanh vắng
Tim bồi hồi chân bước vội dưới trăng

Em trèo lên đỉnh núi cao Các-pát
Nhìn theo anh mất hút biết về đâu
Chân ai đi xa lắc tím trời Âu
Dòng nước mắt bỗng trào ra chua chát!

Em lại đến Biển Đen xưa dào dạt
Sóng xô bờ liên tiếp gọi triền miên
Buồn! Chao ôi, gió làm em phiêu bạt
Thân cô đơn kinh khiếp cả trăng hiền!

Ôi dòng xanh rầm rì sông Đa- nuýp
Mây trời in lồng lộng giữa dòng sông
Nên ngàn năm êm đềm trôi một nhịp
Chỉ mình em nhức nhối vết thương lòng!

Hỡi trái đất rộng làm chi bao la
Cho loài người chia biên giới thế gian
Cho sa mạc nổi bùng cơn bão cát
Cho tình anh chưa bén đã lụi tàn?

Em xin hỏi Trời cao và Đức Phật
Cõi Niết Bàn có mãi mãi mùa xuân
Đâu trời Tây, đâu xa gần cực lạc
Mà trần gian đầy bể khổ trầm luân?

Con lạy Chúa Jêsu ban phép lạ
Cho nước Người hết ly biệt, chia phôi
Hai chúng con quỳ trước Người đa tạ
Xin hoà tan làm một, ngàn đời!

Em cầu nguyện. Còn anh anh chẳng biết
Trái tim anh sao giá lạnh thờ ơ?
Và hôm nay dù tình anh đã hết
Em vẫn mong, vẫn hy vọng, vẫn chờ...

Vẫn trèo lên đỉnh cao Các-pat
Vẫn theo dòng Đa-nuýp những đêm trăng
Em lại đến Biển Đen xưa dào dạt
Đi tìm anh trên bán đảo Ban-căng!
                             Bucarest, 19-3-1969

* Tựa của tác giả Trần Thu Hằng là “Chuyện tình không biên giới và bài thơ tình hay nhất thế kỷ XX”
*Theo tạp chí Đang yêu số 10 – 2010


NHÂN BA MƯƠI THÁNG TƯ, ĐỌC LẠI BÀI THƠ CỦA BẰNG VIỆT
Ngày ba mươi tháng tư đang đến gần, ở trong nước thì khắp nơi tổ chức rầm rộ các hoạt động kỷ niệm chiến thắng, ở hải ngoại thì các buổi lễ “quốc hận” cũng được Việt kiều một số nơi tham gia. Trong một bầu không khí như vậy, xin đưa lại bài thơ của Băng Việt để quý bạn yêu thơ đọc nhằm lắng lại một nỗi niềm riêng cho mỗi người.
                                                                                                BCTHVN
 RƯỢU CỦA NGUYỄN CAO KỲ
                                                            Bằng Việt
Vị thiếu tướng công an cầm chai rượu ra bàn:
“Ông Nguyễn Cao Kỳ mới về gửi tặng”
Mọi người đang vui, gật gù bảo uống
Nhưng một người bảo “Không!”

Vì sao không? Rượu cứ ngon là rượu!
Whisky Mỹ hay Vodka Nga, giờ có mặc cảm gì,
Chiến tranh lạnh qua rồi, ba mươi năm sau chống Mỹ
Đây là chén rượu thăm quê của tướng Nguyễn Cao Kỳ!
Nhưng vẫn có một người không chịu uống!

Vì sao không? Chẳng cố chấp quá ư?
Cậu là lính phòng không, chúng tớ đều cựu chiến binh cả chứ!
Cũng bom đạn, cũng Trường Sơn, cũng vào sinh ra tử,
Sống đến hôm nay, đâu phải để hận thù!

Có phải tự đáy lòng không vượt qua mặc cảm?
Không vượt qua nỗi buồn của cuộc chiến tranh xưa,
Không vượt qua chính mình, không vượt qua quá khứ,
Vết thương cũ còn đau khi gió chuyển sang mùa…

Đám đông ồn ào của chúng tôi cứ uống
Anh bạn chỉ ngồi im, cũng chẳng nói thêm gì,
Và bữa rượu bỗng dưng thành đắng đót
Chẳng phải tại vì ai, kể cả Nguyễn Cao Kỳ!
2007


THƯ GỬI LẠNG SƠN
Trần Nhương
 
Vì nhân đạo chúng ta có thể
Để những người thân Trung Quốc đến Hữu Lũng
Viếng con em họ ngã xuống khi đánh Việt Nam
Giọt máu từ bên kia
Chôn dưới đất Việt khi họ sang xâm lược

Vì hòa hiếu
Cha ông ta ngày xưa
Đã từng cầu siêu cho quân Thanh sau trận Đống Đa
Cấp lương thảo cho tàn binh về cố quốc
Lẽ thường lòng nhân nên trọng

Nhưng những người đứng đầu Lạng Sơn
Gọi những binh lính ấy là “liệt sĩ”
Mời đoàn đại biểu sang dâng hương
Thì bã đậu đã ngự trong đầu
Hay ăn ca la thầu
Mà xóa tan bộ nhớ?

Vậy những người lính phía cộng hòa
Là con một bọc
Trên khắp vùng miền
Trên Hoàng Sa năm 1974 chống quân xâm lược
Sao vẫn không gọi họ là liệt sĩ?

Ôi những anh hùng ngã xuống Lộc Bình, Chi Ma, Đồng Đăng, Cao Lộc..
Vì đất nước Việt Nam
Mà người ta e dè nhắc đến
Những ngày lễ trọng…
Vì sao?

Nay tỉnh Lạng Sơn
Gọi những kẻ xâm lược nước mình là liệt sĩ
Thì gầm trời có một... Kỳ... Lừa…


TIN ĐẶC BIỆT MỚI NHẬN
Một cộng tác viên của Bình chọn thơ hay Việt Nam vừa gửi qua email bản tin khẩn sau đây. Xin đăng tải thông tin này và lưu ý quý bạn yêu thơ, vì đêm quá khuya nên chúng tôi chưa kịp kiểm chứng. Nên quý bạn xem đây như một tin tham khảo thôi.
                                                                                                                      




BCTHVN
TRĂNG NGHẸN là bài thơ của Hoài Tường Phong vừa đoạt giải Nhất cuộc thi thơ đồng bằng sông Cửu Long do các Hội Văn học - Nghệ thuật trong khu vực nầy liên kết tổ chức, tỉnh Cần Thơ đăng cai. Nhưng một sự cố lạ lùng chưa từng có đã xảy ra: Nhà thơ Phạm Sĩ Sáu, trưởng Ban Giám khảo cho hay, một số cơ quan "có thẩm quyền" ở thành phố Cần Thơ (thực chất là không có thẩm quyền) đã yêu cầu Ban Giám khảo chọn lại bài khác để trao giải Nhất, vì bài nầy u ám quá. "Trăng thì phải sáng, thậm chí rất trong sáng chớ không thể nào nghẹn được". Ban Giám khảo đã quyết định không chấm lại, cuối cùng họ quay sang tác giả. Nhà thơ Hoài Tường Phong cho biết, mấy ngày nay chủ tịch Hội Văn nghệ Cần Thơ yêu cầu ông làm đơn từ chối giải thưởng với lý do "tôi không có gởi dự thi". Ông khẳng định rằng "tôi đã gởi dự thi", sau đó vị chủ tịch Hội Văn nghệ lại yêu cầu ông làm đơn xin từ chối giải thưởng với lý do "Thơ tôi có nhiều câu chữ không phù hợp với tiêu chí cuộc thi". Ông Phong nói "Đó là việc thẩm định của Ban Giám khảo".
Xin miễn bình luận về sự kiện nầy. Mời các bạn đọc bài thơ TRĂNG NGHẸN đã được công bố giải Nhất vừa qua.


TRĂNG NGHẸN

                                    Hoài Tường Phong

Mẹ sinh tôi vào một đêm rằm mưa gió ngày xưa,
Lúc chào đời đã lỡ hẹn cùng vầng trăng viên mãn.
Vùng tản cư hồi nầy ruộng hoang nhà trống,
Rước được bà mụ vườn, ngoại cực trần thân.
Tôi lớn trong quê mùa như cây tạp vườn hoang,
Bảy tuổi biết leo lưng trâu, không từng ngồi xe đạp.
Không biết lời bải buôi để mua lòng người khác,
Nên thua thiệt cả đời vì không thể dối lừa ai.
Ngơ ngác buổi ra thành, trước cuộc sống đua chen,
Mười năm sau chưa gội rửa cho mình thành dân chợ.
Lớp phèn hết bám chân, nhưng chất chân quê vẫn còn đó,
Tôi tranh thủ những tháng hè, thích về lại thăm quê.
Bè bạn theo đuôi trâu một thời, mơ ước nhìn tôi,
Tưởng tôi thoát kiếp ngài, nhởn nhơ hóa bướm.
Tôi nhìn vẻ hồn nhiên của đám bạn xưa thèm quá,
Cộng một chút phù hoa đâu thêm lớn tâm hồn.
Mỗi lần về quê bè bạn cũ lại vắng hơn,
Gái mười bảy đã lấy chồng, trai hai mươi đòi vợ.
Cô bạn xưa nách con ngang nhà mua chịu rượu,
Đôi mắt ướt một thời bẽn lẽn ngó bàn chân.
Xóm bên sông nhiều cô gái rời quê,
Về thăm nhà xênh xang lụa là hàng hiệu.
Vài căn nhà xây, đổi đời nhờ những đồng tiền báo hiếu,
Khởi sắc một vùng quê sao nghe có chút bùi ngùi.
Đồng bằng quê hương tôi nhiều cái nhất ngậm ngùi:
Sản lượng lúa nhiều, vùng cá ba sa lớn nhất,
Đầu tư văn hóa thấp và khó nghèo cũng nhất,
Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa.
Chập tối buồn ra nhìn bến nước cô đơn,
Vầng trăng vừa lên đã bị mây mưa vần vũ.
Tôi chợt nhớ lần lỗi hẹn đầu đời, trăng cũ,
Vầng trăng nghẹn hoài, chưa tỏa sáng một vùng quê.

TIN MỚI NHẬN:
Chiều ngày 3-03-8010, Ban thường vụ Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố Cần Thơ đã họp và chính thức quyết định loại bỏ giải Nhất của bài thơ Trăng Nghẹn của Hoài Tường Phong. Rõ ràng đây là một sự lạm quyền hay lộng quyền thô bạo chưa từng có của một Hội văn nghệ địa phương vì đây là một giải thơ của khu vực ĐBSCL. Thật không còn gì để nói. Vì không có máy tính và không biết gởi mail nên anh Hoài Tường Phong nhờ tôi mail cho anh để biết.
Mến chào anh.
                                                                                                          Phương Đông


TRANH LUẬN CHUNG QUANH BÀI THƠ
CỦA NGUYỄN VIỆT CHIẾN
Tóm tắt câu chuyện (theo blog quechoa của nhà văn Nguyễn Quang Lập)
Hôm nay, ngày 1-2-2010, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho bọ biết: Mặc dù đã nhận được thông báo đến nhận giải B cho bài thơ “Thời đất nước gian lao” của cuộc thi thơ toàn quốc 2008-2009 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội được tổ chức vào ngày 4-2-2010; mặc dù được biết bài thơ này đã được in trong tập thơ những bài thơ được giải sẽ phát hành tại lễ trao giải; nhưng trong những ngày gần đây, do một số ý kiến và thông tin cho rằng bài thơ “Thời đất nước gian lao” là “có nhiều vấn đề”, nên nhà thơ Nguyễn Việt Chiến xin tự nguyện không nhận giải thưởng thơ của tạp chí Văn nghệ Quân đội để tránh có những suy diễn, làm phức tạp thêm vấn đề đang “có vấn đề”. Nhà thơ cho biết, ngày mai, ngày 2-2-2010 ông sẽ đến Tạp chí Văn nghệ Quân đội để thông báo chính thức về việc này.
Tin chỉ có thế, ai thắc mắc gì thì hỏi nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đừng hỏi bọ làm phức tạp thêm vấn đề đang “có vấn đề”.
Khoảng 10 giờ 30 sáng 2-2-2010, theo đúng lời hẹn với lãnh đạo Ban Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội (VNQĐ), nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã tới trụ sở Tạp chí số 4 Lý Nam Đế để trao đổi về việc ông tự nguyện không nhận giải B cuộc thi thơ toàn quốc năm 2008-2009 mà Tạp chí VNQĐ đã công bố danh sách các tác giả đoạt giải trước đó. Trong không khí ấm áp tình bằng hữu văn chương tại trụ sở của tờ tạp chí văn nghệ uy tín này, nhà văn Nguyễn Bảo (Tổng biên tập Tạp chí), nhà văn Ngô Vĩnh Bình (Phó Tổng biên tập), nhà văn Khuất Quang Thụy (nguyên phó Tổng Biên tập) và nhà thơ Anh Ngọc, đại diện ban chung khảo cuộc thi thơ đã thân mật tiếp đón nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, nghe ông nói về các lý do khiến ông xin tự nguyện rút khỏi giải thưởng thơ này.
Sau đó, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã viết một bản đề nghị  với nội dung sau: Lời đề nghị- kính gửi Ban Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Ban Chung khảo cuộc thi thơ VNQĐ 2008-2009. Tôi là nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, phóng viên Báo Thanh Niên, hôm nay ngày 2/2/2010, tôi đã đến trụ sở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, gặp ban lãnh đạo Tạp chí VNQĐ và Ban chung khảo cuộc thi thơ VNQĐ năm 2008-2009 và tôi xin tự nguyện rút tên khỏi danh sách giải thưởng cuộc thi vì sau khi giải thưởng được công bố, tôi thấy có nhiều ý kiến khác nhau. Tôi đã từng được giải cao của VNQĐ về thơ nên việc có thêm một giải thưởng nữa cũng không quan trọng lắm. Tôi xin trân trọng cảm ơn Tạp chí VNQĐ và Ban chung khảo cuộc thi. Ngày 2-2-2010. Nguyễn Việt Chiến (đã ký)”,
Khi nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đưa bản viết nói trên cho lãnh đạo Tạp chí Văn nghệ Quân đội, thấy mấy bạn văn mừng rỡ và tươi cười chia sẻ. Ông Chiến dặn lãnh đạo tạp chí, nếu có ai “thóc mách” muốn tìm hiểu về việc tại sao ông rút khỏi giải thưởng này thì bên tạp chí cứ việc đưa bản photocopy “Lời đề nghị” xin rút khỏi giải thưởng nói trên là xong, đỡ phải giải thích nhiều về những vấn đề đang “có vấn đề” bởi rất dễ bị suy diễn là “có vấn đề” mà thực ra chẳng “có vấn đề” gì cả! Chia tay nhau, lãnh đạo tạp chí VNQĐ tặng ông Chiến tập thơ  hơn 300 trang in những bài thơ từ cuộc thi thơ VNQĐ 2008-2009, trong đó, từ trang 28 đến trang 37 có in lại toàn bộ bài thơ “Thời đất nước gian lao” mà Tạp chí VNQĐ đã công bố trao giải B mà nhà thơ Nguyễn Việt Chiến xin không nhận giải. Trong lời nói tạm biệt lúc ra về, ông Chiến chúc “Cuộc thi 2008-2009 của Tạp chí VNQĐ thành công tốt đẹp”



Thời đất nước gian lao    
                                        Nguyễn Việt Chiến
Chúng đã ngủ cả rồi
những con hươu bị bóng đêm săn đuổi
chúng đang gác cặp sừng lên vầng trăng cuối tháng
rồi nằm mơ về một cánh rừng
không có thuốc đạn và súng săn
 Họ đã ngủ cả rồi
những người lính bị chiến tranh săn đuổi
họ nằm mơ gặp lại bầy hươu
gác sừng lên người bạn vô danh
trên cánh rừng đã chết
 Chỉ còn lại vầng trăng và giấc ngủ
chỉ còn lại dấu vết cuối cùng của bầy hươu bị săn đuổi
chỉ còn lại câu thơ thầm lặng
về những người đã ra đi
 Chỉ còn lại những gì không còn lại
bởi người  đau đớn nhất sau chiến tranh
không ai khác ngoài mẹ của chúng ta
những đứa con không trở về
hoà bình dưới mưa phùn
được đắp bằng cỏ non và nước mắt
                                   *

Đêm đêm
những người con ngỡ đã đi thật xa
đang lặng lẽ trở về
họ lẫn vào gió vào sương đêm
không cần an ủi
họ chẳng ồn ào như lời ca sôi sục ngày ra đi
 Họ còn nguyên tuổi trẻ
những người lính chưa tiêu phí một xu mơ ước
chưa tiêu hoài một đồng thanh xuân

 Họ trở về tìm lại
trang sách học trò đêm đêm còn thao thức
trên  cánh đồng tiếng Việt ngàn năm
 Mẹ lại thấy chúng con về
như cánh cò tuổi thơ lưu lạc
đã bao ngày phải xa rời thôn ổ yêu thương
chúng con trở về tìm lại
giọt nước mắt xót xa và đắng cay của mẹ
 Một bên là núi sông ngăn cách
còn bên kia là bóng đêm chiến tranh
vẫn biết đạn bom không có mắt
vẫn biết hận thù không thể phân biệt nổi
đâu là hoa sen và đâu là bùn tối
nhưng các anh vẫn phải ra đi
 Các anh phải ra đi
lời ru chùa Tây Phương
những La Hán mặt buồn
người thợ mộc xứ Đoài
lấy thân xác hom hem của mình làm mẫu vẽ
ba mươi sáu dẻo xường sườn
réo rắt tấu lên bản đàn tam thập lục
người gẩy đàn thì đau đớn
mà bản nhạc viết cho đàn lại reo vui

                            *
Mẹ đã sống dưới mưa phùn ảm đạm
những ngày dài nghèo đói quắt quay
Mẹ thiếu sữa sinh đứa con thiếu tháng
Tổ quốc xanh xaoTổ quốc hao gầy
 Mẹ có mặt trong dòng người nhẫn nại
lặng lẽ xếp hàng từ mờ sớm tới đêm hôm
Mẹ lần hồi thời cơm tem gạo phiếu
nuôi lớn những người con
rồi gửi tới chiến trường
 Mẹ đã khóc lúc rời ga Hàng Cỏ
những đoàn tầu hun hút tuổi hai mươi
một thế hệ hồn nhiên không biết chết
chưa từng yêu khi gục ngã cuối trời
 Mẹ ở lại với sông Hồng tần tảo
áo phù sa lam lũ tháng ngày
câu quan họ cất trong bồ thóc cũ
sông Cầu trôi như một tiếng thở dài…
                                      *

Tàu xuyên đêm
tiếng gió xé bánh xe lăn quần quật
đêm nay họ trở lại một thời gian lao
đường vào Nam hun hút những chuyến tầu
máu rất đỏ tuổi hai mươi nằm lại
câu hát bảo:
tuổi hai mươi những người đi trẻ mãi
câu thơ bảo:
đất nước hình cánh võng mẹ ru ta
 Và ở hai đầu đêm võng mắc dọc rừng già
trăng cũng sốt rét rừng như ta sốt
trăng mất máu như bạn ta thủa trước
dọc cánh rừng na-pan
 Sông Thạch Hãn
nước mùa này còn ấm
và các anh trong suốt
những người hy sinh thời gian lao
 Mây Quảng Trị
mùa này vẫn một mầu huệ trắng
trên Cổ Thành
như  ngày các anh ngã xuống
những người hy sinh thời gian lao
 Và mưa gió Trường Sơn
mùa này vẫn tắm gội
những người con nằm lại
thời đất nước gian lao

 Những cánh rừng cuối thu ngủ dưới mưa phùn
đất nước tôi những người nằm trong đất
chất phác như bùn hồn nhiên như cỏ
buồn đau không còn thở than
 Những ngọn sóng đất đai lưu giữ mọi thăng trầm
người chép sử ngàn năm là bùn đất
kiên trì và nhẫn nại
máu của người là mực viết thời gian.  




BUỒN… MỘT BÀI THƠ
                                                            Nguyễn Văn Thịnh (*)
Đọc bài thơ Thời đất nước gian lao của tác giả Nguyễn Việt Chiến mà cảm thấy buồn! Càng buồn hơn khi bài thơ được tặng giải B từ cuộc thi thơ toàn quốc do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức (2008-2009).
Trong văn chương nghệ thuật, khen chê là chuyện bình thường. Chưa hẳn khen đã là hay và không hẳn chê đã là dở.
Bài thơ thể tự do, giá trị nghệ thuật không có gì đặc biệt ngoài một số hình tượng lạ. Tuy nhiên hình tượng lạ chưa thể làm nên một bài thơ, huống chi là một bài thơ hay.
Thơ về những người lính hy sinh cho Tổ quốc mà nghe ngậm ngùi ai oán làm sao! Những con hươu bị bóng đêm săn đuổi – Chúng đang gác sừng lên vầng trăng cuối tháng – Những người lính bị chiến tranh săn đuổi – Họ nằm mơ gặp lại bầy hươu – Gác sừng lên người bạn vô danh – Trên cánh rừng đã chết! Thấp thoáng những bóng ma người lính như những La Hán mặt buồn người thợ mộc xứ Đoài lấy thân xác hom hem của mình làm mẫu vẽ ba mươi sáu dẻo xương sườn! Bóng ma những người lính trẻ chưa tiêu phí một xu ước mơ, chưa  tiêu hoài một đồng thanh xuân, đêm đêm lặng lẽ trở về, lẫn vào gió và sương đêm, không cần an ủi. Những đứa con mẹ sinh ra trong những ngày dài nghèo đói quắt quay, mẹ thiếu sữa nuôi con thiếu tháng, lần hồi cơm tem gạo phiếu, nuôi lớn những đứa con rồi gửi tới chiến trường để bây giờ là những linh hồn trở về tìm lại giọt nước mắt xót xa và đắng cay của mẹ!
Biết rằng chuyện thơ mà đem sự lý ra bàn dễ thành vô duyên. Nhưng cái tình gì cũng vậy, nếu không có lý trí tỉnh thức để có được cái tâm ngay chính sẽ là sai lạc.
Thật ra trên đời này, những người lương thiện đều không muốn có chiến tranh vì nó gắn liền với chết chóc, tang thương, khổ đau, tàn bạo. Không ai muốn nhận lấy những tai ương để được vinh quang hão!
Người đau đớn nhất sau chiến tranh không ai khác ngoài mẹ của chúng ta! chỉ là nhắc lại lời của ai xưa: Chiến tranh không có chiến thắng mà chỉ có những nỗi đau tột cùng của các bà mẹ mất con! Ở góc độ nào, ý đó không sai nhưng chưa hẳn đúng. Đó là thứ chủ nghĩa nhân đạo mơ hồ đầu môi chót lưỡi, giống như một ông nhà văn nào đó nói rằng: Trong suốt cuộc chiến tranh, ông ta chỉ bắn có ba phát súng lục nhưng là bắn… chỉ thiên! Ông ta quên rằng những viên đạn từ tay người lính đối phương không tính chừa ông! Và người lính vệ quốc nào cũng không nhằm thẳng quân thù mà bắn thì làm sao có ngày ông nhà văn nhận được sự trọng thị từ phía bên kia? Ai cũng biết chiến tranh thật tàn nhẫn và man rợ nhưng nó là hiện tượng loài người không tránh được. Lịch sử thế giới, lịch sử nước ta xảy ra bao nhiêu cuộc chiến tranh? Mỗi người cần tỉnh táo và sáng suốt nhận rõ căn nguyên và bản chất của mỗi cuộc chiến tranh! Lưỡi gươm, viên đạn thì mù nhưng kẻ dùng nó có cái đầu lạnh và con mắt sắc nhắm vào một đích! Có cái đích nghĩa nhân. Có cái đích vô nhân. Cuộc chiến tranh nào cũng kết thúc không chỉ là cái thiện mỉm cười mà có khi là cái ác lên ngôi! Có lúc người ta đánh lộn xòng sự thỏa mãn của kẻ đắc thắng với nỗi đau không cùng của người chiến bại!
Đội quân nào khi ra trận mà chẳng ồn ào những lời ca sôi sục? Hãy nhìn lại hình ảnh đội quân viễn chinh Pháp vào mùa thu năm 1946 hùng hổ với những tàu chiến, xe tăng, đại bác kéo từ phía Nam ra, trong bài ca La Marseillaise phấn chấn tự hào: Allons enfants de la Patrie – Le jour de gloire est arrivé – Contre nous de la tyrannie – L’étandard sanglant est levé… (Tổ quốc gọi: Hỡi con của mẹ – Tiến lên đi vinh quang vẫy gọi – Ta chống lại hung tàn – ngăn dòng máu chảy…) rầm rập đổ lên bến cảng Hải Phòng, để gần mười năm sau đó kết thúc ra sao ở thung lũng Điện Biên? Rồi hai mươi năm sau, đội tiền tiêu của nửa triệu quân viễn chinh Mỹ trống rong cờ mở, giầm nát cảng Đà Nẵng dưới những gót giày đinh, để cũng một thời gian như thế, lặp lại cuộc tháo chạy khỏi Sài Gòn mùa xuân 1975?!
Trong cuộc chiến này, nỗi đau của những bà mẹ mất con không thể giống nhau. Một trong những kiến trúc sư chủ chốt của cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo nhất vừa qua đã cay đắng thốt lên: Đấy là cuộc rút quân không kèn, không trống, không có người ra đón, không có tặng hoa, không có anh hùng, không có chiến công của một đội hùng binh chỉ biết một cặp mỹ từ chiến thắng! Vậy thì làm sao một đội quân nhỏ bé với những người lính chưa thể phân biệt nổi đâu là hoa sen và đâu là bùn tối vẫn phải ra đi, mà đã cho đối phương hiểu thêm nghĩa cặp từ chiến bại?! Một sự mất mát được an ủi. Một sự mất mát bị giày vò.
Sức mạnh của một đội quân được gieo mầm từ vườn ươm là tấm lòng ngườiø mẹ? Khi tình mẹ yêu con vượt qua sự ích kỷ tầm thường, lòng mẹ sáng lên định rõ chính, tà, mắt mẹ nhận rõ kẻ gian, ngay. Có những bà mẹ cắn răng lau nước mắt tiễn con ra trận trong khi có những bà mẹ phẫn uất tự thiêu đòi trả lại con mình. Mẹ hướng con hành thiện, gần lành tránh ác, không cần hoa, chỉ mong con làm việc nghĩa, làm dịu đi nỗi con thất vọng! Đó là điều an ủi tinh thần vừa ngọt ngào vừa đau xót!
Các anh nằm lại còn nguyên mãi tuổi hai mươi, chẳng biết khổ đau, cũng chẳng màng tới vinh quang! Chỉ người còn lại ôm giữ mãi trong lòng những gì không còn lại mới  là người đau đớn nhất một thời dài hậu chiến!
Biết bao thế hệ người mẹ Việt Nam gánh chịu nỗi đau như thế. Biết bao thế hệ những người con trai con gái Việt Nam nghe lời mẹ biết sống tận hiếu, tận trung sẵn sàng hy sinh cuộc sống của mình.                                                                              
Mỗi con người ra đời là một sự ngẫu nhiên. Trong thời thế nào người ta cũng phải thể hiện được mình nghĩa là phải làm làm tròn trách nhiệm cá nhân với gia đình và xã hội. Đành rằng chết rồi thì ai cũng như ai nhưng con người ta có thể sống theo cái triết lý: Lẳng lơ chết cũng ra ma – Chính chuyên chết cũng đưa ra ngoài đồng được chăng? Sướng khổ là ở đấy và trọng khinh cũng là ở đấy! Kẻ sướng chưa chắc đã đáng trọng. Người khổ chưa chắc đã đáng khinh. Trong giáo lý làm người, ông bà ta dạy con cháu phải coi trọng điều liêm sỷ nghĩa là phải giữ mình ngay chính và phải biết nhục. Nô lệ là nhục! Dốt nát là nhục! Nghèo hèn là nhục! Bất lương là nhục! Trốn trách nhiệm làm người là nhục!... Những bà mẹ dạy con rửa nhục. Những người con quyết không chịu nhục. Mẹ và con xứng đáng nhận sự tôn vinh muôn đời, dù chỉ là sự an ủi tinh thần nhưng đó là nền tảng để giữ nước trường tồn. Chỉ kẻ hèn mới hoan hỷ trước giây phút yếu lòng của người lính vệ quốc quân.
Có thật hôm nay chỉ còn lại vầng trăng và giấc ngủ – chỉ còn lại dấu vết cuối cùng của bầy hươu bị săn đuổi – chỉ còn lại câu thơ thầm lặng về những người đã ra đi? Không! Một cuộc sống yên ổn ngời trên nét mặt, ròn trong tiếng cười, bụng bớt lép, da mặt bớt nhăn, trẻ thơ tròn giấc ngủ trong nôi, người già vững tâm có con cháu làm chỗ dựa, người bé lớn dễ dàng sự học và dám tính chuyện gần xa, mơ về một tương lai không vương cái chết… Biết rằng nỗi đau chỉ có thể dần tan theo mẹ. Biết rằng còn những cảnh khổ do con người gây ra bởi thói ích kỷ bản năng. Biết rằng còn những cảnh đời trớ trêu bất nhẫn, còn những nỗi bất bình… Nhưng đó là do những người đang sống gây nên và cũng không ai ngoài họ phải biết uốn nắn, điều chỉnh, xóa dần đi những điều ngang trái bất công. Sự tôn vinh bị coi là vô nghĩa khi thành quả được gây dựng từ mồ hôi xương máu của tiền nhân bị lớp người thừa hưởng phản bội, nghĩa là quyền được sống ấm no, tự do, dân chủ nhân dân không được hưởng, độc lập chủ quyền của tổ quốc không giữ được. Nhân dân nguyền rủa, lịch sử lên án và lớp hậu sinh sẽ biết phải làm gì!
Cảm xúc của nhà thơ tùy thuộc vào tâm trạng trong từng thời điểm. Sự hỷ–nộ–ai–lạc có lúc thế này, thế khác mà bộc phát ra cái đúng, cái sai. Bạn đọc dễ chia sẻ khi người thơ không giữ được thăng bằng tình cảm. Đáng buồn là bài thơ lại được nhận giải cao từ cuộc thi thơ văn do một tờ báo lớn của người lính Cụ Hồ chủ xướng! Chẳng lẽ những người thẩm định không nhìn ra sự lệch lạc và bi lụy tới mức bôi nhọ tinh thần vì nước hy sinh của bao nhiêu người mẹ, bao nhiêu đồng đội trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của chúng ta tới mức bạn bè kính nể, kẻ thù khâm phục và đang có những việc làm công khai thiết thực ủng hộ nhân dân ta hàn gắn vết thương chiến tranh hoặc sám hối những tội ác họ đã gây ra? Phải chăng do thơ văn bế tắc hay chỉ là cái ngón thừa của một bàn tay? Đó là điều không thể chấp nhận được!
Công tác tư tưởng trong QĐNDVN từng rất được coi trọng và đã đóng góp không nhỏ vào những thắng lợi của cuộc kháng chiến thần thánh vừa qua. Đành rằng ở thời điểm nào đó có phần khe khắt, gò ép, một chiều. Tuy nhiên giải phóng tư tưởng, giải phóng ngòi bút không có nghĩa là để người viết tự do xuyên tạc bản chất cuộc chiến tranh chính nghĩa của ta, hạ thấp tinh thần Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của bao nhiêu thế hệ đồng bào, chiến sỹ, hàm ý coi cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại vừa qua là vô nghĩa! Đáng tiếc là chuyện này không chỉ xảy ra một lần và mức độ đang ngày một trắng trợn, thâm sâu! Các cơ quan quản lý văn hóa tư tưởng, đặc biệt trong tổ chức của các lực lượng vũ trang ta không thể buông lỏng mãi.
TPHCM ngày 15 tháng 2 năm 2010
* Nhà văn  Nguyễn Văn Thịnh là bác sĩ y khoa, Hội viên hội nhà văn TP.HCM, đã xuất bản một số tiểu thuyết, tập truyện ngắn. 




NHÀ NƯỚC CÓ BỎ RA MỘT TRĂM TỈ ĐỒNG THUÊ THỢ VIẾT,CŨNG KHÔNG VIẾT NỔI ĐƯỢC BÀI THƠ HAY VỀ CÁCH MẠNG-KHÁNG CHIẾN NHƯ NGUYỄN VIỆT CHIẾN VỚI
“THỜI ĐẤT NƯỚC GIAN LAO”
Trần Mạnh Hảo
Khuya 01-02-2010, vào blogs quê choa của nhà văn Nguyễn Quang Lập, thấy mấy dòng thông báo hơi bị khó hiểu như sau :
“Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến tự nguyện rút lui khỏi Giải thưởng Thơ Văn nghệ Quân đội năm 2008-2009
Hôm nay, Ngày 1-2-2010, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến,hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, phóng viên Báo Thanh Niên (cựu tù nhân chống tham nhũng vụ án PMU18) cho bọ biết: Mặc dù đã nhận được thông báo đến nhận giải B cho bài thơ “Thời đất nước gian lao” của cuộc thi thơ toàn quốc 2008-2009 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội được tổ chức vào ngày 4-2-2010; mặc dù được biết bài thơ này đã được in trong tập thơ những bài thơ được giải sẽ phát hành tại lễ trao giải; nhưng trong những ngày gần đây, do một số ý kiến và thông tin cho rằng bài thơ “Thời đất nước gian lao” là “có nhiều vấn đề”, nên nhà thơ Nguyễn Việt Chiến xin tự nguyện không nhận giải thưởng thơ của tạp chí Văn nghệ Quân đội để tránh có những suy diễn, làm phức tạp thêm vấn đề đang “có vấn đề”. Nhà thơ cho biết, ngày mai, ngày 2-2-2010 ông sẽ đến Tạp chí Văn nghệ Quân đội để thông báo chính thức về việc này.”
 Maiakovski, thi hào Nga có lần nói : “ Anh có thể dối em tất cả;nhưng trong thơ anh không thể dối ”. Người ta có thể viết rất hay về sự dối trá; nhưng sự dối trá không thể làm nên bài thơ hay. “Thời đất nước gian lao” của Nguyễn Việt Chiến” là một bài thơ hay, như một âm bản, một phiên bản thật nhất của tâm hồn nhà thơ đang ngồi trên chiếc chiếu manh hòa bình, tưởng nhớ đến những vạt cỏ phủ lên đồng đội xưa ngã xuống, những vạt cỏ của kinh cầu hồn (Requiem) thi ca, của nỗi buồn thánh treo veo nước mắt. Chúng tôi đã rất cảm động khi lần đầu đọc bài thơ này của Nguyễn Việt Chiến, đến nỗi khóe mắt rơi giọt sương khuya.
Chúng tôi cũng như Nguyễn Việt Chiến đã từng là người lính trong chiến tranh, đã ra đi từ ga Hàng Cỏ trên chuyến tàu hỏa hú còi như bị chiến tranh thọc tiết. Con tàu sồng sộc lao vút về phương Nam, để lại sau lưng mẹ già khóc ngất, để lại trái tim mình trong ngực người bạn gái, để lại tuổi thơ và sự sống, không dám ngoái lại nhìn quê hương lần cuối, mặc đôi tay vô hồn ôm chiếc ba lô con cóc vào lòng như đang bế trên tay đứa con của thần chết. Rồi những cánh rừng Trường Sơn nuốt chúng tôi vào như bóng đêm nuốt những con hươu. Lại nhớ câu thơ Xuân Diệu : “ Ta là con nai bị chiều đánh lưới”. Chiến tranh đã giăng lưới đánh bẫy bao thế hệ trai tráng chúng tôi thời đó, rồi vùi hàng triệu chàng trai “Khi ngã vào long đất vẫn con trai” ( TMH) vào lòng đất.
Dường như thân xác Nguyễn Việt Chiến đã về lại hòa bình, nhưng linh hồn anh vẫn còn lãng đãng chưa ra khỏi những cánh rừng bom đạn, hoặc ẩn hiện trong chiêm bao khói lửa, mới nhìn thấy những con hươu hòa bình bị bóng tối chiến tranh săn đuổi trong đoạn thơ đầu rất gợi cảm và hiện đại của anh :
“….Chúng đã ngủ cả rồi
Những con hươu bị chiến tranh săn đuổi / Họ đã ngủ cả rồi/ những người lính bị chiến tranh săn đuổi/ họ nằm mơ gặp lại bầy hươu/ gác sừng lên người bạn vô danh/ trên cánh rừng đã chết…”
Những câu thơ khá hay này sẽ bị săn đuổi cho tới chết nếu có cặp mắt cú vọ nào rình mò, dùng kính núp ( kính “lúp” hay kính “núp” là núp vào chỗ kín rồi rình mò theo dõi) xăm xoi bằng phương pháp luận rất sai là “biểu tượng hai mặt”, là quy chụp vô lối rất tù mù bố ai lý giải được kiểu “ có vấn đề”. Bằng lối tuyệt đối hóa chính trị văn học, đám “anh em ta” này sẽ truy bức khổ thơ kia, đại khái : anh nói ai là hươu đấy ? anh nói ai săn đuổi ai? Đất nước ta đang hòa bình thịnh vượng, mọi người đang phấn khởi hồ hởi sống và làm việc theo nghị quyết, rừng núi xanh tươi, anh lại phủ nhận xã hội xã hội chủ nghĩa tốt đẹp, rồi vu cáo trắng trợn : “ …cánh rừng đã chết”…Rừng núi quê ta xanh tươi như vậy, dưới sự lãnh đạo của đảng càng xanh tươi hơn, chết hồi nào anh Chiến, anh chết thì có, tâm hồn anh chết vì anh đang nghĩ xấu về đất nước ta…Chúng tôi biết anh xỏ xiên ám chỉ hươu là ai rồi ? hươu là không phải con hươu, em con nai mà hươu trong bài thơ này của anh là hươu cuội, hươu là dối trá …Anh bảo ai hươu? Ai cuội ? Chẳng lẽ đảng và nhà nước tốt đẹp nhất, thật thà nhất thế giới của ta là hưu cuội à ?…Với lối phân tích thơ dung tục và tầm bậy như trên nên tập thơ “Kinh Bắc” của Hoàng Cầm đã bị cầm tù cùng với nhà thơ Hoàng Hưng mấy năm ( vì anh Hoàng Hưng cầm tập thơ này đang đi trên đường Hà Nội thì bị bắt, bắt oan, bị tù oan); may thay, gần đây tập thơ này của Hoàng thi sĩ lại được giải thưởng nhà nước( chỉ riêng mấy năm tù oan của Hoàng Hưng chưa được kẻ bắt nhầm công khai xin lỗi).
Thơ hay là phải đa nghĩa, đa chiều, đa biểu tượng, đa ám ảnh, phải biểu tượng muôn mặt, còn chỉ “biểu tượng hai mặt” thì không phải văn học. Những con hươu đang bị bóng đêm, bị chiến tranh săn đuổi từ ngày xưa chạy vào núp trong giấc mơ, trong câu thơ Nguyễn Việt Chiến mang ý nghĩa biểu trưng, ám ảnh, nửa thực nửa hư. Những con hươu hòa bình, những con hươu của cái đẹp lấy sự chạy làm vũ khí : “chuồn nào anh em”, những con hươu của ký ức, là hưu thực cũng là hươu hư, hươu đấy mà người đấy…ai muốn hiểu sao thì hiểu miễn là tâm hồn anh được nhà thơ truyền cảm…
Với câu thơ hay và cảm động “ Chỉ còn lại những gì không còn lại” của Nguyễn Việt Chiến, thì đám “anh em ta-có vấn đề” kia có thể phải “làm việc’ với anh Chiến mấy buổi như anh đã bị “làm việc” mấy tháng, mấy năm chỉ vì dám viết lên sự thật, dám gọi kẻ ăn cắp của công là tham nhũng. Hãy đọc những câu thơ hay trong bài của Nguyễn Việt Chiến :
“hòa bình dưới mưa phùn/ được đắp bằng cỏ non và nước mắt”
Những đồng đội của anh Chiến xưa đã nằm lại, họ được đắp bằng cỏ non bởi vì họ giờ chỉ còn là trùng trùng bia mộ, trùng trùng nấm đất. Lại nhớ câu thơ của tôi viết về cảm giác khi đang ngồi trên chiếc xe bọc thép chiến tranh của sư đoàn bảy tiến vào buổi trưa hòa bình ngày 30-04-1975 : “ Chợt quay lại toàn thấy gò thấy đống / Cỏ xanh dày xin lặng lẽ che nhau”. Anh Chiến viết câu thơ trên sau câu thơ của chúng tôi hơn ba mươi năm, nên dĩ nhiên nó phải hay hơn và hàm xúc hơn câu thơ rừng rực buồn đau của tôi.  Hòa bình sao lại được đắp bằng cỏ non ? Vậy hòa bình đã chết hay sao mà bị vùi trong đất ? Đấy là câu hỏi của các nhà “quy chụp chủ nghĩa, các nhà bới móc “có vấn đề”, chuyên dùng thước đo một mi li mét “ biểu tượng hai mặt” để đo thơ văn. Còn với người thưởng thức thơ, người ta sẽ dễ hiểu rằng, câu thơ trên là câu thơ đang diễn tả tâm trạng u hoài, u buồn của anh Chiến : anh sống trong hòa bình mà tâm hồn anh vẫn như đang bị vùi trong cỏ xanh cùng đồng đội xưa đã khuất. Nếu hiểu theo nghĩa đúng của câu thơ, anh Chiến chắc sẽ được thưởng huy chương 27 tháng bảy vì anh là người không vong ơn bội nghĩa như ai “ qua cầu rút ván” ?
Trong bài thơ hay “ Thời đất nước gian lao” của Nguyễn Việt Chiến còn khá nhiều câu thơ hay để người đọc thơ sung sướng, ngược lại có thể làm kẻ ác ý, những “Gia-ve của thi ca”( tên nhân vật trong tiểu thuyết “ Những người khốn khổ” của V.Hugo) nhảy lồng lên sướng vì đã bắt được tang chứng, vật chứng :
“…Vẫn biết đạn bom không có mắt/ vẫn biết hận thù không thể phân biệt nổi/ đâu là hoa sen đâu là bong tối”
“…ba mươi sáu dẻo xương sườn/ réo rắt tấu lên bản đàn tam thập lục/ người gảy đàn thì đau đớn/ mà bản nhạc viết cho đàn lại reo vui…”
“…mẹ đã sống với mưa phùn ảm đạm…”/ “…Tổ quốc xanh xao Tổ quốc hao gầy…”/ “…Mẹ đã khóc lúc rời ga Hàng cỏ / Những đoàn tầu hun hút tuổi hai mươi…” / “…trăng cũng sốt rét rừng như ta sốt/ trăng mất máu như bạn ta thưở trước…”…
Những câu thơ hay, ám ảnh, day dứt lòng ta khôn nguôi về “ nỗi buồn chiến tranh”…làm chúng ta suy nghĩ, day dứt : chúng ta hi sinh to lớn thế để làm gì ? Để giành độc lập cho đất nước ! Nhưng như cụ Hồ bảo : “ Độc lập mà không có tự do thì độc lập cũng vô ích ?”. Có lẽ Nguyễn Việt Chiến tâm huyết với lời dạy của cụ Hồ, nên mới xót xa nhìn vầng trăng hôm nay vẫn còn bị thương, vẫn còn rớm máu : “trăng mất máu như bạn ta mất máu” chăng ? Nhưng với cái nhìn của các vị “ Gia-ve” thi ca, thì đây là vật chứng có thể đưa anh Chiến vào cái chỗ anh đã từng vào, mà rằng : “ Này anh Chiến, vầng trăng trên Tổ Quốc ta đẹp như thế, sáng như thế mà anh dám vu cáo “ trăng sốt rét, trăng mất máu” là sao ? Ý anh là muốn đổ tội cho ai làm vầng trăng xã hội chủ nghĩa mất máu ? Trong khi đảng và nhà nước đang lãnh đạo nhân dân và lãnh đạo trăng sao trong tươi sáng hạnh phúc, vầng trăng phấn khởi rõ mồn một như thế, tươi như hoa như thế mà anh nói trăng mất máu là ý đồ gì đây ? Anh nên nhớ là chỉ có trăng nước Mỹ và trăng các nước tư bản Âu châu mất máu thôi, vì vầng trăng bị bóc lột nghe chưa ?”
Họ mà phân tích thơ theo kiểu truyền thống của họ thì toi rồi Chiến ơi !
Tôi viết bài báo mọn này không nhằm đánh bóng cho anh Nguyễn Việt Chiến, vì anh đã quá nổi tiếng với nhiều giải thưởng thơ ( oai mà sang hơn giải B văn nghệ quân đội lần này nhiều – chính ra anh phải chiếm giải A). Tôi muốn đồng cảm với anh Chiến, muốn nói rằng thế hệ cầm bút chúng tôi vẫn rất đẹp, vẫn trong sáng và tự hào, buồn đau, bi thương với nghìn muôn đồng đội đã ngã xuống. Tâm hồn chúng tôi vẫn còn nằm trong cánh rừng chiến tranh thưở xưa, đêm đêm giấc mơ chúng tôi vẫn bị dội bom, vẫn bị pháo bầy hủy diệt… Không mang tinh thần này, không thưởng thức được cái hay của “ Thời đất nước gian lao”. Nhà nước có bỏ ra hàng trăm tỉ đồng cũng không thuê được kẻ viết thuê để viết nổi một góc bài thơ thương nước, thương người rất hay này của anh Chiến. Tôi xin phép in kèm một đoạn thơ của mình dưới đây, trích trong trường ca “ Đất nước hình tia chớp” viết năm 1975, để chia xẻ và đồng cảm với bạn Nguyễn Việt Chiến của tôi, người mà hầu như tất cả chúng ta, tất cả nhân dân ta đều rất yêu mến và kính phục.
                                                Sài Gòn sáng 02/02/2010
                                                                                                                       T.M.H.
*Theo blog quechoa của Nguyễn Quang Lập      




Dân thường Nguyễn Long
Trong cuộc thi thơ lục bát năm 2003 có bốn vạn bài thơ dự thi. Một  dân thường tên là Nguyễn Long ở  tỉnh Thái Bình dự thi bài Thường dân và được trao giải nhất.  Ngày ấy, người ta chuyền tay nhau bản phôtô để đọc. Tác giả của Thường dân trở thành nhân vật của “Hỏi chuyện một người dân”, nhưng không hề nói về thơ mà lại nói về Thường dân nguyên nghĩa.
+ Khi bài thơ “Thường dân” của ông  được trao giải nhất báo Văn nghệ trẻ, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, thành viên ban giám khảo cuộc thi có lời bình: “Bài thơ nói những điều ai cũng thấy, cũng biết mà không biết nói thế nào cho thành thơ và... không sai chính trị”. Theo ông, thường dân làm thế nào để nói về nỗi khổ của mình mà không sai chính trị?
- Tôi nghĩ chỉ có những lời nói cũng như những việc làm chống lại Nhà nước, chống lại quyền lợi của dân tộc thì mới gọi là sai chính trị, chứ nếu dân còn đói, còn khổ, cuộc sống còn những bất công... mà nói đúng như vậy thì không thể gọi là sai chính trị. Trường hợp có người nói không đầy đủ hay chưa đúng là phản ánh sai thực tế chứ không phải sai chính trị. Còn nếu như những ai không hiểu hoặc cố tình quy chụp thì lại là chuyện khác.
+ Nhưng  thường dân rất khó nói về những nỗi khổ của mình mà thường phải có người khác nói hộ?
- Thường dân là lớp người thấp cổ bé họng, có khổ thì chỉ biết kêu trời chứ biết nói với ai, mà có nói chắc gì người ta đã nghe. Chỉ những kẻ sĩ, những nhà báo, nhà văn... có lương tâm và trách nhiệm với dân thì mới có điều kiện nói thay họ thôi.
+ Viết bài thơ “Thường dân” chắc ông thấm nỗi khổ và  muốn nói hộ nỗi khổ  thường  dân. Theo ông, nỗi khổ của thường dân bây giờ là gì?
- Tôi thấy hầu như đã là người thì ai cũng đều thấm nỗi khổ của dân thường, bởi thường dân là những người không có quyền chức gì trong xã hội. Và ai cũng phải có lúc, có thời phải làm dân. Chỉ có điều cái sự thấm ấy ở mỗi người khác nhau mà thôi. Bản thân tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn, tuổi thơ đã phải gánh phân, cắt cỏ, bốc bùn, đã từng ăn đói mặc rách. Lớn lên đi bộ đội rồi về làm anh cán bộ nhà nước nhưng cuộc sống và tình cảm vẫn gắn với quê nên những nỗi khổ, vất vả của người dân, nhất là nông dân vẫn gắn với mình. Còn nỗi khổ của người thường dân thời nay chủ yếu vẫn là sự nghèo khó. Cuộc sống vật chất của mọi người dân nếu so với vài chục năm về trước thì đã khấm khá hơn nhiều nhưng so với mặt bằng xã hội rộng lớn thì lại có sự chênh lệch quá xa. Đất nước ta 70-80% dân số vẫn là nông dân và không có nghề nghiệp ổn định, thu nhập đầu người sống bằng nghề nông ở nhiều nơi chỉ vài ba triệu đồng một năm. Anh thử hình dung người ta sống ra sao với mức thu nhập ấy khi ốm đau bệnh tật, thiên tai bão gió... ập đến bất cứ lúc nào. Tôi nghĩ, bây giờ chẳng phải đi đâu xa, ai ốm đau phải một lần vào bệnh viện, phải đưa con đến trường học không ở diện lắm tiền thì đều thấm nỗi khổ của thường dân.
+ Nói thường dân khổ, nhưng thường dân họ cũng có nhiều cái sướng hơn khối quan chức. Ông có thấy vậy không?
- Sướng, khổ là quan niệm và cuộc sống riêng của từng người nên rất khó nói cho chính xác. Nhưng tôi ít thấy có ông bà quan chức nào vất vả, khổ ải theo nghĩa thông thường hơn dân cả.
+Vậy nếu được lựa chọn, chắc ông sẽ muốn làm quan hơn là thường dân?
- Tôi tin mọi người cũng vậy, nếu được chọn chẳng ai lại không chọn làm quan. Những bậc thánh nhân ngày xưa như Khổng Tử , hay kẻ sĩ, mưu sĩ như Nguyễn Trãi... cũng đều muốn làm quan. Đó là mong muốn đẹp đẽ và cao cả. Chỉ có điều làm quan thế nào và làm quan trong thời thế nào mà thôi.
+ Làm quan phải phấn đấu nhiều, nhưng muốn là thường dân  đích thực cũng không  dễ. Vì sao ông lại viết “Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân”?
-  Thường dân là lớp người chịu thiệt thòi và vất vả nhất trong xã hội. Cứ nhìn người ta sống thì thấy, họ đi làm quần quật, lam lũ suốt ngày, ráo mồ hôi là hết tiền. Thế mà đại bộ phận họ sống vẫn an nhiên vui vẻ, vẫn ăn ngon ngủ yên, khỏe mạnh. Ở một khía cạnh nào đó họ sướng bởi tâm nhàn hơn cả những người có quyền, có tiền đấy thôi.
Phùng Nguyên

Thường Dân

Đông thì chật, ít thì thưa
Chẳng bao giờ thấy dư thừa thường dân
Quanh năm chân đất đầu trần
Tác tao sau những vũ vần bão giông.

Khi làm cây mác cây chông
khi thành biển cả khi không là gì
Thấp cao đâu có làm chi
Cỏ ngàn năm vẫn xanh rì cỏ thôi.

Ăn của đất, uống của trời
Dốc lòng cởi dạ cho người mình tin
Ồn ào mà vẫn lặng im
Mặc ai mua bán nổi chìm thiệt hơn

Chỉ mong ấm áo no cơm
Chắt chiu dành dụm thảo thơm ngọt lành.
Hòa vào trời đất mà xanh
Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân…

Nguyễn Long




 Tre Việt Nam
Thơ: Nguyễn Duy

Tre xanh
Xanh tự bao giờ
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh
Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên luỹ, nên thành tre ơi
Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù cát sỏi đá vôi bạc màu
Có gì đâu, có gì đâu
Mỡ màu ít chất dồn lâu hoá nhiều
Rễ siêng không ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù
Vươn mình trong gió tre đu
Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành
Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh
Tre kia không ngại khuất mình bóng râm
Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay vin tay níu tre gần nhau thêm
Thương nhau tre chẳng ở riêng
Luỹ thành từ đó mà nên hỡi người
Cho dù thân gãy cành rơi
Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho con
Loài tre đâu chịu mọc cong
Mới lên đã thẳng như chông lạ thường
Lưng trần phơi nắng phơi sương
Có manh áo cộc tre nhường cho măng
Măng non là búp măng non
Đã mang dáng thẳng, thân tròn của tre
Năm qua đi, tháng qua đi
Tre già măng mọc có gì lạ đâu
Mai sau,
mai sau,
mai sau…
Đất xanh, tre mãi xanh màu tre xanh!



C©y tre

Tôn Nhật Quang

Tác giả: Thép mới

Cây tre là người bạn thân của nông thôn Việt Nam, bạn thân của nhân dân Việt Nam.
Nước Việt Nam xanh muôn vàn cây lá khác nhau
Cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quý, nhưng thân thuộc nhất vẫn là cây tre nứa
Tre Đồng Nai, nứa Việt Bắc, tre ngút ngàn Điện Biên Phủ, lũy tre thân mật làng tôi… đâu đâu cũng có nứa tre làm bạn
Tre, nứa, trúc, mai, vầu mấy chục loại khác nhau, nhưng cùng một mầm non mọc thẳng
Vào đâu tre cũng sống, ở đâu tre cũng xanh tốt
Dáng tre vươn mộc mạc, mầu tre tươi nhũn nhặn
Rồi tre lớn lên, cứng cáp, dẻo dai, vững chắc
Tre trông thanh cao, giản dị, chí khí như người
Nhà thơ có lần ca ngợi: Bóng tre trùm mát rượi
Bóng tre trùm lên âu yếm làng, bản, xóm, thôn
Dưới bóng tre của ngàn xưa, thấp thoáng mái chùa cổ kính
Dưới bóng tre xanh, ta gìn giữ một nền văn hóa lâu đời
Dưới bóng tre xanh, đã từ lâu đời, người dân Việt Nam dựng nhà, dựng cửa, vỡ ruộng, khai hoang
Tre ăn ở với người, đời đời, kiếp kiếp
Tre, nứa, mai, vầu giúp người trăm công nghìn việc khác nhau
Tre là cánh tay của người nông dân
Cánh đồng ta năm đôi ba vụ
Tre với người vất vả quanh năm
Tre với người như thế đã mấy nghìn năm
Một thế kỷ “văn minh” “khai hóa” của thực dân cũng không làm được một tấc sắt
Tre vẫn còn phải vất vả mãi với người
Cối xay tre, nặng nề quay, từ nghìn đời nay, xay nắm thóc
Trong mỗi gia đình Việt Nam, tre là người nhà, tre khăng khít với đời sống hàng ngày
Dang chẻ lạt, buộc mềm, khít chặt như những mối tình quê cái thuở ban đầu thường nỉ non dưới bóng tre, bóng nứa:
Lạt này gói bánh chưng xanh
Cho mai lấy trúc, cho anh lấy nàng…
Tre còn là nguồn vui duy nhất của tuổi thơ
Các em bé còn có đồ chơi gì nữa ngoài mấy que chuyền đánh chắt bằng tre
Tuổi già hút thuốc làm vui
Với chiếc điếu cày tre là khoan khoái
Nhớ lại vụ mùa trước, nghĩ đến những mùa sau, hay nghĩ đến một ngày mai sẽ khác…
Suốt một đời người, từ thuở lọt lòng trong chiếc nôi tre, đến khi nhắm mắt xuôi tay, nằm trên giường tre, tre với mình, sống có nhau, chết có nhau, chung thủy
Như tre mọc thẳng, con người không chịu khuất
Người xưa có câu: “Trúc dẫu cháy, đốt ngay vẫn thẳng”
Tre là thẳng thắn, bất khuất!
Ta kháng chiến, tre lại là đồng chí chiến đấu của ta
Tre vốn cùng ta làm ăn, lại vì ta mà cùng ta đánh giặc
Buổi đầu, không một tấc sắt trong tay, tre là tất cả, tre là vũ khí
Muôn ngàn đời biết ơn chiếc gậy tầm vông đã dựng lên Thành đồng Tổ quốc!
Và sông Hồng bất khuất có cái chông tre
Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù
Tre xung phong vào xe tăng, đại bác
Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín
Tre hy sinh để bảo vệ con người
Tre, anh hùng lao động! Tre, anh hùng chiến đấu
Tám, chín năm trường kỳ kháng chiến giải phóng, ta đã trải những ngày cơm thiếu gạo khan
Có anh bộ đội nào quên được vị măng đắng, măng nứa
Trong rừng sâu, còn đốt nứa lấy than ăn muối
Tre nứa thương anh bộ đội, tre nứa lại nuôi anh
Tre yêu anh bộ đội, vì anh bộ đội chính là người nông dân mặc áo lính
Khói lửa xông pha, tình ta càng thêm keo sơn gắn bó
Ngày xưa, về đời vua Hùng Vương, có người anh hùng cứu nước làng Gióng
Người anh hùng làng Gióng đuổi giặc Ân, nhổ tung bụi tre, vung lên thay gậy sắt
Tre của người anh hùng đời xưa đã dẹp tan quân giặc nước
Tre thời nay lại có những anh hùng của thời nay
Tre anh hùng của một dân tộc anh hùng
Tre đi vào cuộc trường chinh của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Tre phá đồn giặc, tre đi xung kích
Những đòn tre, những thang tre, những liếp nứa đã bắc qua cầu, đã mở đường cho anh bộ đội tiến lên… nước Việt Nam tiến lên
Không một trở lực nào ngăn được bước chân anh bộ đội, vì anh bộ đội có nhân dân
Những người dân công, những người cha, những người mẹ, những người chị, những người vợ, những người thân yêu nhất của anh bộ đội, đi dân công phục vụ tiền tuyến
Đường xa, gánh nặng, bước chân đi thoăn thoắt
Dốc núi, đèo cao, đòn gánh kĩu kịt…
Bộ đội qua sông, thì có ngay bè nứa vạn chài và những thuyền nan tre, sẵn sàng phục vụ chuyển quân
Từ thuở ấy mới có câu: Bộ đội với dân như cá với nước…
Có ai quên được những chuyến đò ngang qua vị trí quân thù…
Tình quân dân còn sâu nặng hơn tình cá với nước
Điệu “hò kéo pháo” vang lên là giai đoạn mới của cuộc trường chinh bắt đầu
Trong ta không phải chỉ có tre nứa:
Ta đã cướp được súng của giặc bắn vào đầu giặc
Những khẩu đại bác, chiến lợi phẩm Biên giới, Nghĩa Lộ, Hòa Bình, đi lên mặt trận Điện Biên Phủ
Tre nứa lại bạn cùng sắt, thép
Chạc nứa, đòn tre cõng pháo đi lên.
Tre đã dự trận Điện Biên Phủ
Chiến thắng đi lên!
Và đây là những bước chân đi vang tiếng nhạc của cuộc hành quân chiến thắng, với quang vinh trên những lá cờ còn in khói lửa và dấu bụi trường chinh
Giờ đây ta không phải chỉ có tre, có nứa
Những người anh hùng của thời nay đã đến lúc có sắt, có thép trong tay
Tre với anh bộ đội
Tre hòa tiếng hát khải hoàn
Giữa đoàn quân nhạc, rộn vang lên mười cây sáo trúc
Nhạc của trúc, nhạc của tre là khúc nhạc của đồng quê
Nhớ một buổi trưa nào, nồm nam cơn gió thổi, khóm tre làng rung lên man mác khúc nhạc đồng quê
Diều bay, diều lá tre bay lưng trời… Sáo tre, sáo trúc vang lưng trời… Gió đưa tiếng sáo, gió nâng cánh diều
Trời cao lồng lộng, đồng ruộng mênh mông hãy lắng nghe tiếng hát giữa trời cao của trúc, của tre…
“Tre già măng mọc”
Măng mọc trên phù hiệu ở ngực thiếu nhi Việt Nam
Lứa măng non của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Các em, các em rồi đây lớn lên, sẽ quen dần với sắt, thép và xi-măng cốt sắt
Nhưng, nứa, tre còn mãi mãi với các em, còn mãi với dân tộc Việt Nam, chia bùi sẻ ngọt của những ngày mai tươi hát, còn mãi với chúng ta, vui hạnh phúc hòa bình
Ngay mai, trên đất nước này, sắt, thép có thể nhiều hơn tre, nứa
Nhưng, trên đường trường ta dấn bước, tre xanh vẫn là bóng mát
Tre vẫn mang khúc nhạc tâm tình
Tre sẽ càng tươi những cổng chào thắng lợi
Những chiếc đu tre vẫn dướn bay bổng
Tiếng sáo diều tre cao vút mãi…
Cây tre Việt Nam!
Cây tre xanh, nhũn nhặn, ngay thẳng, thủy chung, can đảm

Cây tre mang những đức tính của người hiền là tượng trưng cao quý của dân tộc Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét