26 tháng 8, 2014

Lời bình cho một bài thơ


Lời bình cho một bài thơ

Tô Ngọc Thạch - 22-04-2011 12:06:08 PM

VanVN.Net - Kim Chuông, một cây lục bát có tiếng của vùng lúa sông Hồng, thơ anh gây ấn tượng mạnh, dễ rung, nhiều khi như sợi dây đàn được ngân lên từ tâm hồn thi sĩ làm say đắm người đọc với những câu thơ “đào hoa và hào hoa”: /Em như một mảnh trăng chìm. Cầm lên thì mất đứng nhìn thì đau/. Hay: /Một lời em nói thầm thì. Đủ cho tôi bỏ nhà đi nửa đời/. Kim Chuông làm thơ về nhiều đề tài, nhưng thế mạnh của anh là lục bát về tình yêu, tình bạn và tình người...

Gửi Hà Cừ
                       Kim Chuông

Hà là bạn của lòng ta
Nhưng sao ta giận thằng cha này nhiều
Đời còn đâu lắm Thúy Kiều
Nên ta đã gặp là theo tới cùng
Bạn ta ngập ngập ngừng ngừng
Sợ cha sợ mẹ sợ vừng trăng xưa
Sợ câu mình lỡ nói đùa
Trời đang nắng thế bỗng mưa thì phiền

Tốt thì ai chả muốn khen
Nhưng ngàn sau hỡi bạn hiền ta ơi
Nhiều khi trót lỡ lầm rồi
Ta trong xanh khác hẳn hồi trong xanh
Bạn ta chẳng sống cho mình
Chút thương dành vợ chút tình dành con
Lòng ơi nhiều lúc héo mòn
Là khi bạn biết ta còn nỗi đau
Ta ôm cả đất trời sầu
Mà sao lòng bạn cao sâu hơn nhiều
Bạn ta bận sớm bận chiều
Nhiều công việc hẹn nhiều điều toan lo
Thôi thì ta cũng mừng cho
Một sông với một con đò bạn đi
Ta yêu bạn đến thế thì

Nên ta muốn bạn cái gì cũng ta.

Trong các bài thơ viết về bạn bè, có lẽ “Gửi Hà Cừ” là bài thơ gây ấn tượng với tôi nhất. Cái quý ở đây không phải là vần điệu, tiết nhịp, cấu tứ mới...  mà cảm xúc được dồn nén, cô đặc.  Bằng “lối tự sự, có duyên,”  Kim Chuông đã khái quát khá điển hình từ tính tình, vóc dáng đến lời ăn tiếng nói của nhân vật được mô tả. Có lẽ hai gã nhà thơ này quá hiểu nhau bởi xuất phát điểm của họ cùng tắm chung dòng nước sông Luộc, tuy rằng người ở bên kia sông là Hải Dương, kẻ ở bên này là Hải Phòng, nơi đồng bằng, thôn dã. /Bạn quê An Thổ, Tứ Kỳ. Ta người Vĩnh Bảo có gì mà xa. Con sông chảy giữa hai nhà. Ta mơ mộng lắm, bạn  tha thiết nhiều/ Từ lúc còn chăn trâu cắt cỏ họ đã vượt qua “con sông đỏ lặng phù sa” để đến với nhau, kết bạn với nhau? Hay khi chiến tranh bùng nổ, trên miền đất Tả Ngạn Sông Hồng họ đã cùng khoác trên mình “màu xanh quân phục”? Hay họ quen nhau khi cả hai khi đó đều là nhà báo và “mê thơ phú bề bề”...? Có lẽ, trả lời câu hỏi này chỉ có Hà Cừ và Kim Chuông mới biết.
Mở đầu bài thơ, Kim Chuông “Nhà thơ lãng tử” với tính cách mạnh mẽ chợt gặp Hà Cừ thư sinh, dịu hiền như một cô thôn nữ đã đem lòng yêu say, không khác nào khi Kim Trọng gặp Kiều:  /Đời còn đâu lắm Thúy Kiều. Nên ta đã gặp là theo đến cùng/. Phần đầu Truyện Kiều đại thi hào Nguyễn Du đã lột tả nàng Kiều thật sắc sảo, tài hoa và cũng đầy sóng gió khác hẳn với cô em Thúy Vân: /Làn thu thủy nét xuân sơn. Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh/. Ngược lại Kim Chuông khi mô tả Hà Cừ với một tính cách kín đáo, dịu dàng, một con người mực thước: /Bạn ta ngập ngập ngừng ngừng. Sợ cha sợ mẹ, sợ vừng trăng xưa/. Rồi đến câu: /Sợ câu mình lỡ nói đùa. Trời đang nắng thế bỗng mưa thì phiền/. Thì không còn lời văn, câu thơ nào tả hay hơn được nữa.  Nhận xét về thơ Kim Chuông, Nhà thơ Lê Đình Cánh viết: “Kim Chuông chỉ đưa ra một chấm nắng mà trong đó chứa đủ bảy sắc cầu vồng”. Với câu lục “Sợ câu mình lỡ nói đùa” đã khắc họa đầy đủ các chi tiết, một cái nhìn tinh tế, một phát hiện chính xác về tính cách bạn mình. Kim Chuông thông cảm cho bạn là con người của công việc, con người không phải sống cho mình mà còn “Chút thương dành vợ chút tình dành con”. Rồi: /Bạn ta bận sớm bận chiều. Nhiều công việc hẹn nhiều điều toan lo/. Với câu thơ trên, người đọc nhận thấy, “bạn ta” là một người có địa vị trong cộng đồng, công việc ngợp đầu, không chỉ trách nhiệm với gia đình, vợ con mà còn cả với xã hội. Mặc dù đang ở chốn quan trường, nhưng “bạn ta” cũng luôn dành góc tâm hồn mình chia sẻ, động viên trong lúc bạn mình  gặp cô đơn, buồn tủi: /Ta ôm cả đất trời sầu. Mà  sao lòng bạn cao sâu hơn nhiều/. Mỗi người đều có một niềm vui nỗi buồn khác nhau, một khi bạn  mình  đang bơ vơ, khắc khoải, một nỗi đau như rút ruột rút gan và được bạn bầu sẻ chia còn quý gì bằng. Ngược lại, cũng không phải vì thế mà nhà thơ không cao ngạo, cảnh vẻ mặc dù bạn mình là một viên “quan hàng tỉnh” /Thôi thì ta cũng mừng cho. Một sông với một con đò bạn đi/
Khi đọc câu hai này thì độc giả cũng hiểu ra rằng đây là lời vỗ về, lời của cấp trên nói với cấp dưới… nhưng thực tế đây là lời của kẻ sĩ, dưới con mắt của người cầm bút thì bạn cũng chỉ là bạn không hơn không kém mà thôi, mặc dù bạn mình có giữ chức vụ gì, ở cương vị nào đi chăng nữa: /Ta yêu bạn đến thế thì. Nên ta muốn bạn cái gì cũng ta/.
Đây là câu kết hay vì câu kết ở những bài thơ khác Kim Chuông thường dùng lối hành văn bỏ lửng để độc giả phải suy ngẫm. Với kết cấu chặt chẽ, câu kết thể hiện một cách dứt khoát rành mạch về tình bạn, đã chơi với nhau thì cái gì cũng là của nhau. Đây không phải là bài thơ viết về tình yêu đôi lứa, sự đòi hỏi của bạn tình mà đây là sự mong muốn bạn mình giành nhiều tình cảm hơn, quan tâm hơn nữa tới tình cảm bạn bầu.
Với cách diễn tả dung dị, khéo léo, cách chê khen đúng mực, khi đọc xong bài thơ đã toát lên đầy đủ chân dung các nhân vật.
Lục bát là loại thơ khó làm, đặc biệt lại viết về bạn bè, đồng nghiệp càng khó hơn. Bằng cái cảm cái nhìn của Kim Chuông, đôi bạn đã sang cái tuổi “tri thiên mệnh”, cùng làm báo, làm thơ, bài “Gửi Hà Cừ” như một bức tranh miêu tả toàn bộ các góc cạnh tình bạn của hai người tri kỷ đang ở độ chín nhất.

 

Bài đăng trên web vanvn.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét