26 tháng 8, 2014

Tứ tuyệt tâm tình


Tứ tuyệt tâm tình

(Đọc tập thơ Tứ tuyệt, của Nguyễn Văn Hiếu, Nxb Hội Nhà văn, 2011)
Hồng Diệu - 01-10-2011 03:43:57 PM

VanVN.Net - Có thể dùng bốn chữ T một cách vui vui ở trên, để nói về Tứ tuyệt - tập thơ thứ bảy của Nguyễn Văn Hiếu, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, in năm 2011. Bởi vì, tất cả 106 bài thơ ở đây đều là tứ tuyệt, và hầu như tất cả các bài thơ đều nói chuyện tâm tình, nhiều hay ít, trực tiếp hay gián tiếp. Đó cũng là hai đặc điểm rõ nhất của quyển sách.
Tứ tuyệt, đã từ lâu, được hiểu theo hai nghĩa. Nghĩa hẹp: đó là một dạng của thơ Đường luật, có niêm, có luật, có đối. Nghĩa rộng: đó là tất cả những câu thơ bốn câu - dù làm theo thể nào, dù câu thơ có mấy chữ. (Có người đề nghị chỉ nên dùng khái niệm tứ tuyệt theo nghĩa thứ nhất và loại trừ nghĩa thứ hai. Nhưng liệu như thế có được người đọc, nhà thơ và các nhà lý luận, phê bình chấp nhận?).

Nguyễn Văn Hiếu quan niệm tứ tuyệt theo nghĩa thứ hai. Bởi vậy, ngòi bút anh có thể đề cập mọi chuyện trên đời một cách thoải mái và phóng túng. Bài Ghi ở cửa khẩu Tịnh Biên gợi một suy nghĩ rất “nhẹ nhàng” về một vùng biên giới Tây Nam đất nước đang yên ổn, thanh bình (mà nói biên giới thì rất dễ liên tưởng đến chiến tranh, xung đột hay xâm lấn):
Tịnh Biên vài áng mây qua/
Cánh chim bay đậu hai nhà sớm trưa/
Bầy trâu gặm cỏ hai bờ/
Con kênh nước chảy lơ thơ một dòng
(Hãy chú ý đến số từ vài, hai, một và tác dụng của nó, được nhà thơ dùng rất có dụng ý, ở cả bốn câu). Bài Nghịch cảnh thì nói một chuyện có tính chất thời sự hơn, thậm chí còn là một vấn đề rất bức xúc lâu nay, nhưng cũng được nói một cách ôn tồn, dù có phần “nôm na”:
Sân gôn mở rộng ra sườn núi/
Cánh đồng hẹp lạ bớt màu xanh/
Trồng cỏ nhiều tiền hơn cấy lúa/
Thợ cày xe máy lượn vòng quanh
Có khi từ chuyện đời này, tác giả trộn vào chuyện đời xưa để thơ man mác chuyện cổ kim, cũ mới, như khi đứng Trước thành nhà Hồ chẳng hạn:
Thành tan, lũy nát, ánh chiều găm/
Rồng đá vài con sứt mẻ nằm/
Cung điện xưa thành nơi cấy lúa/
Cổng thành hun hút gió ngàn năm
Ngẫm về sự hư vô, về lẽ sinh tử trên đời, ta bất giác nhớ câu thơ của thiền sư Vạn Hạnh: Thân như điện ảnh hữu hoàn vô - Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô (Đời người như bóng chớp, có rồi không - Cỏ cây mùa xuân tươi tốt, mùa thu thì khô héo). Nỗi niềm tâm sự gần như thế, của Nguyễn Văn Hiếu, được diễn đạt cụ thể và… khách quan, khi anh viếng một người quen:
Vừa thoảng qua song cửa/
Gió vội bỏ đi rồi/
Mới trò chuyện cùng tôi/
Người đã về cõi khác
(Kính viếng ông Trịnh Tứ)
Có những câu thơ của Nguyễn Văn Hiếu gợi suy tưởng, mà dễ nhận ra ở đó, chúng giữ được một nét quen thuộc, cố hữu:
Ông lão nón tơi ngồi cất vó - Sấm rền, mưa gió bỏ ngoài tai (Mưa tháng tám) hoặc hướng về một ý nghĩa của nhân tình thế thái, từ chỗ thơ mộng:
Núi một đời đứng đợi - Mây kia trôi về đâu (Sông chiều) đến chỗ “thực dụng” hơn:
Sông hẹp, núi mòn, hồ mắc cạn - Ruộng vườn thu lại, phố nhà cao (Vơi).
Thơ về tình yêu của Nguyễn Văn Hiếu đều hiền lành, êm dịu, nhỏ nhẹ như:
Em: ngôi sao chợt hiện/ Giữa trời anh trong lành/ Em - cánh buồm mơ mộng/ Giữa vô cùng biển anh (Em)
Nhiều khi, Nguyễn Văn Hiếu tả cảnh nhưng không chỉ đơn thuần tả cảnh để tả cảnh, mà bao giờ anh cũng gửi vào đó một ít vui buồn - dù cảnh xưa hay cảnh nay, cảnh ở nơi này hay cảnh ở nơi khác.
Rất đồng cảm với tác giả (cũng là một người bạn thân) tôi thích bài thơ Mừng cháu nội ra đời của Nguyễn Văn Hiếu. Bài thơ chỉ có thể viết được, khi trong lòng tác giả có một niềm vui lớn:
Bấy lâu phấp phỏng nỗi chờ trông/ Cháu nội ra đời, lên chức ông/ Sáng nay sân trước con chim hót/ Cây tự nhiên khoe một điểm hồng
Tôi đã có lần đề nghị tác giả đổi cháu nội thành đích tôn, vừa cho đúng với sự thực, vừa tăng cường độ cảm xúc của bài thơ (vì cháu nội có thể là trai hay gái, có thể là cháu thứ hai hay thứ ba…). Tuy nhiên, chi tiết này cũng không phải quá quan trọng.
Khi bài thơ đăng báo còn chưa ráo mực, tôi đã để ý, rồi dịch ra chữ Hán một cách rất chi là… phóng túng tặng tác giả. Thời nhật nguyệt niên trần cảnh mộng/ Đích tôn xuất hiện ngã thành ông/ Đình tiền kim nhật tranh ca điều/ Thụ đột nhiên khai nhất điểm hồng.
Ai cũng biết, thơ tứ tuyệt không dễ làm. Với một số chữ, số câu rất hạn chế, bài thơ tứ tuyệt phải có một tư tưởng chủ đạo, phải gây được ấn tượng. Không phải là tất cả, nhưng nhiều bài thơ của Nguyễn Văn Hiếu đáp ứng được yêu cầu này. Anh còn làm người đọc tránh được cảm giác đơn điệu khi đọc cả một trăm bài thơ có cùng một độ dài, bằng cách sử dụng cả thơ bốn chữ, năm chữ, sáu chữ, bảy chữ, có khi xen lẫn thơ sáu chữ thơ bảy chữ, và thơ lục bát nữa.

Cũng như mấy tập thơ gần đây của Nguyễn Văn Hiếu, Tứ tuyệt là tập thơ của một người đứng tuổi, đã đi qua nhiều thăng trầm của cuộc đời, trong thời chiến cũng như ở thời bình. Nó cho thấy tác giả là một người cả nghĩ, nhưng thường nhìn sự đời một cách bình tĩnh đến bình thản, qua những chiêm nghiệm và sự từng trải, dày dạn. ở phần thành công của nó, Tứ tuyệt thể hiện rất rõ phong cách này của thơ Nguyễn Văn Hiếu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét