11 tháng 1, 2015

ÔI CẢI CÁCH - ÔI GIÁO DỤC! (*)


ÔI CẢI CÁCH - ÔI GIÁO DỤC! 
(Đầu bài do người sưu tầm tự đặt)
*****************

Tranh cãi về bản dịch mới bài thơ Nam quốc sơn hà
(Hải Thăng sưu tầm trên Internet)


Nhiều người thích bản dịch thơ cũ hơn và đề xuất nên giữ lại làm bản dịch thơ chính của bài Nam quốc sơn hà.
Sách Ngữ văn lớp 7, Tập 1 đăng bài thơ Nam quốc sơn hà, sử dụng bản dịch của dịch giả Lê Thước - Nam Trân: Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Vằng vặc sách trời chia xứ sở/ Giặc dữ cớ sao phạm đến đây/ Chúng mày nhất định phải tan vỡ. Bản dịch thơ này gây ra những ý kiến trái chiều và có sự so sánh với bản dịch quen thuộc của nhà sử học Trần Trọng Kim.
tranh-cai-ve-ban-dich-moi-bai-tho-nam-quoc-son-ha
Bản dịch thơ bài Nam quốc sơn hà của Lê Thước - Nam Trân trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7, Tập 1. Ảnh: H. P.
Anh Lê Đình Thanh, phụ huynh có con học lớp 7 ở Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ, đã đọc qua bản dịch thơ mới và thấy hơi "ngang tai", không hay bằng bản dịch quen thuộc. "Bản cũ dễ nhớ, đi vào tiềm thức hàng triệu người Việt, bám rễ qua bao thế hệ. Dù mình đã học hàng chục năm nhưng chỉ cần nhắc lại là đọc vanh vách. Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận ở sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời", anh đọc lại.
Theo phụ huynh này, đối với văn thơ mỗi người có cách tiếp cận khác nhau. Bản dịch cũ được chấp nhận nhiều hơn thì nên dùng làm bản chính trong sách giáo khoa, những bản còn lại chỉ nên tham khảo để học sinh hiểu biết hơn. "Cứ thay đổi liên tục rồi cuối cùng học sinh có biết Nam quốc sơn hà được coi là tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta hay không? Có biết danh tướng Lý Thường Kiệt là ai không? Có nhớ bài thơ ra đời trong lúc vua tôi nhà Lý chống quân Tống xâm lược hay không?", anh đặt vấn đề.
Anh Thanh đề xuất, đối với các bộ môn xã hội như lịch sử, văn học, các nhà biên soạn sách giáo khoa khi có cải biên, thay đổi thì nên lấy ý kiến của học sinh, thầy cô giáo và cả phụ huynh là những người trực tiếp dạy, học và đọc. Không nên liên tục thay đổi để tránh gây ra sự xáo trộn không cần thiết.
Cô Lê Vân, giáo viên dạy lớp 7 ở Cầu Giấy (Hà Nội) có kinh nghiệm dạy văn gần 20 năm cho hay, thực ra bản dịch thơ của Lê Thước - Nam Trân có từ năm 1977, là năm ra đời của cuốn Thơ văn Lý TrầnSong bao thế hệ học trò Việt Nam học văn, học sử đều quen với bản dịch của Trần Trọng Kim và bản này dễ đi vào lòng người. "Nếu được chọn để dạy, tôi sẽ chọn bản cũ. Trước đây khi dạy, các học trò có hứng thú với bản cũ hơn vì dễ đọc. Bản mới nhiều vần trắc, gây trúc trắc, khó đọc, khó nhớ cho người học", cô nói.
Cô Vân phân tích, học sinh lớp 7 chưa hẳn đã có năng lực cảm nhận bản dịch nào hay hơn, hiểu phiên âm và nhớ được dịch thơ là tốt rồi. Các em được dạy như thế nào thì sẽ nhớ như vậy, khi nghe quen, chấp nhận được bản dịch mới thì lại thấy bản dịch cũ nghe lạ tai. Cũng giống như các thế hệ trước đây, quen với bản dịch cũ bao nhiêu năm, giờ nghe bản dịch mới cứ thấy "ngang phè, chối tai".
tranh-cai-ve-ban-dich-moi-bai-tho-nam-quoc-son-ha-1
Phần nội dung bài thơ trong sách Ngữ văn 7 nằm ở trang 62, 63. Ảnh: H.P.
Nhiều ý kiến đồng tình bản cũ hay hơn nhưng không nên vội phê phán bản dịch mới được đưa vào sách giáo khoa. Cô Hoàng Thị Huệ (Thanh Hóa), giáo viên giỏi Văn phân tích, về ý nghĩa thì hai bản dịch thơ không có gì khác nhau. Bản dịch cũ khai thác được âm điệu hào hùng nhưng bản dịch mới lại bám sát được phần phiên âm, dịch rất sát nghĩa.
"Bản dịch mới mất đi âm điệu. Mà trong văn thơ, âm điệu rất quan trọng, là thứ dễ đi vào lòng người, lan tỏa rộng lớn. Học sinh lớp 7 muốn cảm nhận được bài này phải là những em học tốt. Có thể các em chưa hiểu hết được ý nghĩa, song vì âm điệu hào hùng nên vẫn sẽ nhớ. Nên chọn giữ lại bản cũ làm bản chính trong giảng dạy", cô nói.
Tuy nhiên, cô Huệ cũng đặt ra một góc nhìn mới, đó là thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, nên để người đọc, người học được tiếp cận với nhiều bản dịch, được quyền so sánh, mở rộng vấn đề để có cái nhìn sâu sắc hơn, không thể ép người học, người đọc đi theo một lối truyền thống. "Có thể thống nhất một bản dịch là bản chính, những bản còn lại là tham khảo. Toán còn có nhiều cách giải để cho ra một đáp số thì văn thơ cũng có thể có những cái nhìn mới mẻ", cô nói.
Anh Tạ Quang Đông, người có kinh nghiệm và uy tín trong cộng đồng biên dịch, phiên dịch, cho rằng không nên vội vã phê phán bản dịch mới được đưa vào sách giáo khoa, bởi thơ chữ Hán khi dịch ra có thể có nhiều cách dịch. Không nên vì chưa biết đến các bản dịch khác mà khăng khăng cho rằng bản dịch duy nhất mình biết trong sách cũ là toàn bích.
Anh phân tích, dịch thơ khó hơn dịch văn xuôi. Chữ "vằng vặc" vốn chỉ dùng với "trăng" trong các văn bản truyền thống, được Nam Trân dùng một cách ẩn dụ, ngầm so sánh với sự "soi rọi" rõ ràng, rành mạch của chân lý không thể chối cãi - đất Nam của người Nam. Có thể chấp nhận nét nghĩa mới đó của từ "vằng vặc" trong văn cảnh này, vì dịch thơ rất khó, có lúc cần đưa thêm nét nghĩa mới trong một bài cụ thể. Đôi khi, thậm chí nhiều khi, cũng là do nguyên nhân về vần, về số lượng từ, hay chữ, mà không thể sát được 100% ý.
"Tác giả dịch bài thơ này là dịch giả Nam Trân, một người rất tài năng. Nhiều người học phổ thông sách cũ chỉ biết bản dịch cũ, nay thấy sách mới có bản dịch khác thì sốc, rồi đặt ra những câu hỏi như Nam Trân là ai, Nguyễn Đình Chú có ý gì?. Các bạn đừng vội nghĩ bản dịch kia không giáo dục con cháu mình tinh hoa của bài thơ, cũng đừng kinh sợ là bản dịch không đủ sức làm con cháu mình tự hào dân tộc chống ngoại xâm. Xin đừng nâng quan điểm", anh Đông nói.
Anh khẳng định, cá nhân thích và đánh giá bản dịch phổ biến cao hơn, nhưng "không nhất thiết phải hoảng sợ" và tốt nhất nên giới thiệu cả bản dịch truyền thống để độc giả, người học có điều kiện so sánh, cảm nhận. 
Bài thơ Nam quốc sơn hà
Phiên âm
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Dịch thơ của Trần Trọng Kim
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận ở sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
Dịch thơ của Lê Thước - Nam Trân
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Vằng vặc sách trời chia xứ sở
Giặc dữ cớ sao phạm đến đây
Chúng mày nhất định phải tan vỡ


Ngoài bản dịch thơ của Lê Thước - Nam Trân, trang 63 Sách Ngữ văn lớp 7, Tập 1 còn dẫn thêm 2 bản dịch. 
Bản dịch trên nguyên bản bức sơn mài ở Viện Bảo tàng Lịch sử: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Sách trời phân định đã rạch ròi/ Cớ sao giặc cướp xâm phạm tới/ Chúng bay thất bại hãy chờ coi”.
Bản dịch của nhà thơ, dịch giả Ngô Linh Ngọc: “Đất nước Đại Nam, Nam đế ngự/ Sách trời định phận rõ non sông/ Cớ sao nghịch tặc sang xâm phạm?/ Bay hãy chờ coi, chuốc bại vong”.
Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7, Tập 1 do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành. Nhóm tác giả chủ biên gồm Nguyễn Khắc Phi - Nguyễn Đình Chú - Nguyễn Minh Thuyết - Trần Đình Sử. 
Hoàng Phương - Lan Hạ

6 nhận xét:

  1. Trả lời
    1. Đọc mà buồn bác ạ.
      Cám ơn bác đã chia sẻ cùng em.

      Xóa
  2. Khi dạy các bài thơ chữ Hán, gv bắt đầu từ bài phiên âm rồi giải nghĩa (đã có trong SGK), phân tích phần nội dung hay nghệ thuật đều là ở bản phiên âm, vì đó mới chính là của tác giả. Phần dịch thơ chỉ là tham khảo chứ không phải dùng để phân tích. Ở hs khá giỏi có thể cho so sánh cách dịch của tác giả nào sát hơn, hay hơn. Cả 2 bản dịch được nhắc tới ở trên nếu nói về luật gieo vần ở thơ thất ngôn tứ tuyệt đều không đúng (vần bằng, gieo tiếng cuối các câu 1,2,4) chưa nói đến việc dùng từ ngữ chưa thể có sức khẳng định mạnh mẽ đầy tự hào như bản chữ Hán: "đế", "tiệt nhiên". Vậy nên, theo NT không cần băn khoăn về việc đưa ra tham khảo bản dịch nào. Ngay cả việc học thuộc lòng bài thơ cũng phải thuộc bản phiên âm chứ không phải bản dịch thơ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn Nhật Thành có một lời bình rất hay giải tỏa được nỗi băn khoăn cho những người tâm huyết với sự học hành của con cháu.
      Tuy nhiên mình cũng muốn bạo đàm với bạn đôi điều:
      Đã nói về thơ thì phải nói đến vần luật, ý tứ... chất thơ. Bài dịch của nhà sử học Trần Trọng Kim nếu gắn nó với thể thơ ĐƯƠNG LUẬT(Thất ngôn tứ tuyệt) thì có sai về vần và luật. Nhưng tại sao hàng trăm năm nay, hàng bao thế hệ và ngay cả bây giờ đây đại đa số bạn đọc, các nhà nghiên cứu vẫn cho là hay. Phải chăng trong trường hợp bất khả kháng phải lựa chọn giữa vần và luật với y và tứ thì họ chon ý và tứ. Mình đã đọc được ở đâu đó các nhà thơ lớn ở ta cũng đã phải lựa chọn như vậy và vẫn được thừa nhận.
      Mình giám không chê, không giám phê phán bài dịch của Lê Thước - Nam Chân vì đó là quyền của mỗi người. Nhưng biên soạn đưa vào sách giáo khoa thay thế cho bài dịch của Nhà sử học Trần Trọng Kim thì không nên tý nào. Không hiểu mình có bảo thủ lắm không?
      Cách đây năm hai, năm ba năm gì đó mình cũng được thày giá dây mình bài thơ này bao gồm: Phiên âm - Dịch nghĩa - Dịch thơ bọn mình không thích học văn bằng toán nhưng mình thuộc ngay nội dung phiên âm, hiểu nghĩa và thuộc lòng ngay bài thơ đó đến nay không cần đọc lại.
      He he đưa ra tham khảo bản dịch nào cũng được, nhưng học sinh chỉ thuộc bài dịch phụ, không thích bản dịch chính của ban biên soạn đưa ra thì uổng công biên soạn của ban biên soạn quá. Vui tý NT nhé.
      À hình như trước khi thơ Đường luật ra đời có thể thơ gì đó cũng thất ngông tứ tuyệt, cũng thất ngôn bát cú mà không theo luật Đường ấy NT nhỉ. Liệu bản dịc của nhà sử học Trần Trọng Kim có nằm trong thể thơ ấy không?
      Cám ơn Nhật Thành.

      Xóa
    2. Đề tài hay đây, anh Hải Thăng nhỉ?
      Bản dịch cũ tồn tại với bao thế hệ học sinh, nó ăn sâu vào tiềm thức của mỗi chúng ta, vì vậy khi bắt gặp một bản dịch mới thì cảm giác "trái tai" sẽ xuất hiện. Không riêng gì thơ mà nhiều thứ khác cũng vậy. Một tên đường, một tên làng, một tên phố...
      Anh Hải Thăng thấy đưa bản dịch của Lê Thước - Nam Trân vào thay cho bản dịch cũ của Trần Trọng Kim là không nên tý nào cũng như rất nhiều ý kiến phản đối việc thay thế một số tác phẩm trong SGK cũ, rất khó có được sự đồng thuận khi đưa ra một cái mới thay cho cái cũ. Ngay cả khi thay rồi thì người ta vẫn dùng cái cũ như thường. Ví như tên trường chẳng hạn, hơn hai chục năm đổi tên thành Tiểu học,THCS,THPT nhưng mọi người vẫn quen gọi cấp 1, cấp 2, cấp 3 đấy thôi.
      Trở lại với vấn đề: học sinh thuộc bản dịch nào là tùy thuộc vào yêu cầu của thầy cô, không có bản dịch của Trần Trọng Kim nữa thì thế hệ học trò bây giờ sẽ chỉ thuộc bản của Lê Thước - Nam Trân thôi. Hi hi...
      Đã gọi là thơ Đường thì nó ra đời vào thời Đường. Còn trước thời nhà Đường gọi là thơ cổ phong hay cổ thể, chẳng qui định số câu, cũng không chặt chẽ về niêm luật. Nhưng em đang nói về việc dịch thơ thât ngôn tứ tuyệt Đường luật bằng một bài thơ dịch cùng thể loại ấy. Còn chẳng ai bắt người dịch phải dùng đúng thể thơ nguyên tác, chỉ cần sát nghĩa là được. Ví dụ bài Nguyên tiêu của Bác được Xuâ Thủy dịch bằng lục bát vẫn hay đấy thôi. Mà sát ý thì bản dịch của Lê Thước - Nam Trân sát hơn. Tuy nhiên, em vẫn nhắc lại là em không quan tâm đến bản dịch, chỉ quan tâm đến nguyên tác. Em đã từng thử dịch bài này bằng thất ngôn tứ tuyệt đường luật rồi. Anh Hải Thăng cũng thử xem?

      Xóa
    3. Nói như NT: "Bản dịch cũ tồn tại với bao thế hệ học sinh, nó ăn sâu vào tiềm thức của mỗi chúng ta, vì vậy khi bắt gặp một bản dịch mới thì cảm giác "trái tai" sẽ xuất hiện." và đây cũng là ý của một số người tham luận trên đây.
      Nói vậy đã hẳn đúng chưa? Có chủ quan không? Nặng lời hơn là có coi thường độc giả không? và ngụy biện phủ dụ dư luận không? He he (Cười kiểu NT cho vui)
      Mình lấy ví dụ: Bài thơ NGUYÊN TIÊU của Bác được Xuân Thủy dịch theo thể thơ lục bát rất hay và rất quen thuộc với bạn đọc; được bạn đọc yêu thích.

      Rằm xuân vằng vặc trăng soi
      Sông xuân nước lẫn bầu trời thêm xuân
      Giữa dòng bàn bạc việc quân
      Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
      Khi lang thang trên mạng mình gặp một bản dịch của Trương Nữ Hương Thủy theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt mình thấy rất sát và cũng rất hay:

      Rằm tháng giêng vành vạnh bóng trăng
      Xuân sông, xuân nước, trời xuân giăng
      Luận bàn chiến sự hòa sương sóng
      Khuya trở về thuyền ngập ánh trăng.

      Hà hà nếu không có bản dịch của nhà sử học Trần Trọng Kim thì học sinh phải thuộc bài khác thôi - Thì đành: Ăn khoai còn hơn nhịn đói mà. Nhưng theo mình "Ăn khoai còn hơn nhịn đói" chỉ sử dụng cho những cuộc vui chơi thơ phú dông dài; còn đưa vào sách giáo khoa văn học để đào tạo hệ "trăm năm" thì cũng lại không nên(Rất xin lỗi các tác giả dịch thuật tôi chỉ ám chỉ những bài dịch dở mà thôi- òn các bản dịch trích dẫn trên đều đạt cả). Và để đấy đợi đến khi có một bài dịch đáp ứng yêu cầu đào tạo mới đưa vào.
      Nói vậy NT chớ cho mình là kẻ hợm hĩnh "Ăn mày đòi xôi gấc", "Tiền ít lại đòi thịt nhiều"... nhé.
      Vô phép hỏi NT câu này: Liệu đây có phải là ý đồ tìm kiếm niềm vinh hạnh - Thơ mình được in trong sách giáo khoa dây cho học sinh không? Trong một vài lĩnh vực đã có những ý đồ tương tự.
      Vui mà bàn - Bàn cho vui và cũng là để học tập thêm.
      Mong được sự thông cảm của các nhà dịch thuật, nhà giáo và ban biên soạn sách giao khoa.
      Thân ái.

      Xóa