7 tháng 2, 2015

GIỚI THIỆU TẬP THƠ QUÊ HƯƠNG - Hội làng Phương Điếm



GIỚI THIỆU TẬP THƠ
QUÊ HƯƠNG
(Trang thơ HƯƠNG SẮC TÌNH QUÊ)


Xuất thân từ một gia đình nghèo thành phần - Bần nông.
Khởi nghiệp bằng một nghề lao động nặng nhọc - Công nhân.
Lớn lên một tý nữa chuyển sang nghề cầm súng, vừa nặng nhọc vừa gian khổ hy sinh và cực kỳ nguy hiểm - Bộ đội
Ở chiến trường về hậu phương mang một vài vết thương xoàng - Thương binh
Sau nhiều năm dùi mài kinh sử may mà đỗ đạt trở thành kỹ sư và trở thành công chức chuyển sang lao động trí óc - Văn phòng.
Đúng sau mươi tuổi không thừa, không thiếu một ngày - Về hưu.

Các quan thì sợ hẫng hụt - Sinh ra ốm yếu còn mình thì sợ không phải suy nghĩ nữa óc sẽ ỳ - Thế là mình tập làm thơ (Còn vài lý do nữa).
Kết quả sau tám năm nghỉ hưu khi ra đường họ vẫn hỏi mình: Ông sắp nghỉ hưu chưa? - Mình mỉm cười  trả lời: Còn lâu ông ạ!!!!!! (Nói dối tý)
Thế là mình không hẫng hụt, óc không ỳ, vẫn vui vẻ khỏe ra - Hà hà thành công đấy chứ.
Xin giới thiệu với các bạn tập thơ QUÊ HƯƠNG tôi viết năm 2010 nhé! Mời các bạn xem nếu không hay thì góp ý nhé.
Xin chân thành cám ơn.
Thân ái!
Hải Thăng


Bài 1
Hội làng Phương Điếm

Phần I: Lễ hội 


Tiếng trống hội vang dồn muôn ngả,
Tiếng trống chèo rộn rã làng quê;
Đi đâu ta cũng nhớ về
Tháng tám, hai bẩy hội quê, hội làng(1).

Nguyễn Chế Nghĩa(2) vị quan thao lược,
Cùng nhà Trần dẹp giặc Nguyên Mông;
Lẫy lừng vang dội chiến công,
Sử xanh muôn thủa, non sông trường tồn.

Dân làng nhớ công ơn danh tướng,
Xây đình thờ, tôn đức Thành Hoàng(3)
Di tích sạch đẹp, khang trang
Nhà nước xếp hạng cấp bằng Quốc gia(4)

Thỏa ước nguyện dân ta mong đợi
Chùa Phúc Hưng vừa mới xây xong
Tốt đời, đẹp đạo sáng trong
Dân làng, Phật tử một lòng chung vui

Mùa lúa mới Đạo - Đời mở hội
Mùi rơm thơm hương nội gió đồng
Công việc đồng áng vừa xong
Nắng vàng ruộm nắng, trải đồng heo may
  
Chõ xôi mới thơm bay ngào ngạt
Hạt gạo quê đượm nét thanh tao
Lễ nghi không có là bao
Tâm thành, lễ mọn xiết bao nghĩa tình

Người quê nặng nghĩa tình sau trước,
Nén hương thơm xin được tỏ lòng:
Kính dâng lên Đức Thành Hoàng,
Kính dâng Đức Phật muôn vàn từ bi.

Ngày lễ hội, dân đi đón rước,
Rước Thành Hoàng về chốn đình chung;
Đoàn đi trống dục, cờ rong,
Kiệu xe, ngựa giá nức lòng xóm thôn.

Ngày hội mở, tâm hồn thanh thản,
Người cao niên chăm chút khói hương,
Đón chào qúy khách thập phương,
Tăng ni, Phật tử hành hương viếng chùa.

Làn Quan họ đón đưa khách quý,
Đoạn chèo vui tỏ chút tình quê;
Thập phương khách trở ra về,
Còn lưu luyến mãi tình quê đậm đà.

  

Phần II: Vui hội

Niềm vui đến mọi nhà, mọi xóm,
Trẻ tung tăng khắp chốn cùng nơi,
Trẻ già, trai gái vui cười,
Trẻ chơi cùng trẻ, già vui cùng già.

Người ưa thích chọi gà(6) truyền thống,
Tấm tắc khen những giống gà nòi;
Vít cổ, khoá cánh, tuyệt vời,
Tung cao chân, đá lật người đối phương.

Thừa cơ ép cùng đường đối thủ,
Áp sát vào đánh cú độc chiêu,
Mổ mắt, chân đạp trúng diều;
Đối phương thất thế, biết điều: Xin thua.
Chủ gà thắng hò la sung sướng,
Ôm gà về vẫn tưởng nằm mơ,
Bõ công ngày tháng đợi chờ,
Đến hội thi hưởng phút giờ vinh quang.

Cầu kiều bắc làn làn mặt nước,
Lắc lư theo từng bước chân đi,
Xểnh chân một tí một ti,
Ngã nhào xuống nước, người đi ướt dầm.

Tiếng cười nói ầm ầm  bốn phía,
Trai làng đua bắt vịt dưới ao,
Reo hò tỏ chí anh hào,
Người bắt được vịt, giơ cao: “Thắng rồi”.

Trong sân đình, liên hồi trống thúc,
Kỳ thủ cờ lưng thắt lụa đào,
Điêù quân tiến trước, lùi sau,
Pháo xe hộ tống, tốt đầu lập công.

Bàn cờ tướng tương phùng đấu trí,
Đập niêu trò thuần tuý vui cười.
Người chơi bịt mắt từ ngoài,
Dậm dò tiến lại, gậy dài đập niêu.

May mà đập được niêu có thưởng,
Người không may đập trúng niêu không;
Niêu vỡ nước bắn tứ tung,
Người xem cười rộ, ngại ngùng người chơi

Kéo co là trò vui đồng đội,
Trai trong làng tụ hội đua tài;
Tràn trề  sức sống đương trai,
Thắng thua cốt ở lòng người đồng tâm.

Ngoài đường treo đèn lồng đỏ rực,
Các trò chơi náo nức lòng ai,
Ném vòng vào các cổ chai,
Bắn cung, câu cá ... đua tài khéo tay.

Trẻ say sưa vòng quay đoán giá,
Các cụ vui bài tập dưỡng sinh.
Ngày vui thêm đậm nghĩa tình,
Cầu lông giao hữu, xã mình xã bên.

Màn đêm xuống ánh đèn rực sáng,
Làn điệu chèo ca áng thơ hay,
Chầu văn phách điểm mê say,
Dùng dằng quan họ, đêm ngày ở đi.

Trò vui suốt ba ngày lễ hội,
Người với người phấn khởi chung vui.
Khen thay trăm sự ở người,
Khéo bày trò để thêm vui hội làng.



Phần III: Nghĩ suy ngày hội

Ngày hội mở muôn màu muôn vẻ,
Nhắc nhở đàn con trẻ ghi ân;
Công ơn các vị tiền nhân,
Có công giữ nước, vì dân vì đời.

Đình làng thờ nhân tài đất nước,
Bàn gia tiên ghi đức dưỡng sinh;
Khói hương tỏ chút thịnh tình,
Công cha nghĩa mẹ, sinh thành cháu con.

Phải đâu có vàng son mới được,
Sống ở đời tình nghĩa trước sau;
Ngày thu thơm ngát hương cau,
Xa quê, ngày hội gặp nhau tâm tình.

Hiểu nhau thêm đậm tình làng xóm,
Người xa quê gắn bó cùng quê;
Nhắc nhau năm tới hội về,
Trước là vui hội, sau về thăm nhau./.

Hà Nội, tháng 12 năm 2009



         Chú dẫn
(1) Ngày 27 tháng 8 hàng năm là ngày giỗ Đức Thành Hoàng làng: An nghĩa Đại vương Nguyễn Chế Nghĩa, nhân dân thôn Phương Điếm lấy ngày đó làm ngày hội làng. Sau khi chùa Phúc Hưng được xây dựng, Nhà Chùa kết hợp với ngày hội làng thành ngày hội chung của khu di tích đình làng Phương Điếm và chùa Phúc Hưng.
(2) Nguyễn Chế Nghĩa: Người làng Cối Xuyên, Gia Lộc, Hải Dương (Tương truyền ông quê ở Thanh Hoá, sau khi được phong vương, ban lộc mới về Cối Xuyên). Ông là người có tài võ nghệ lại làu thông binh pháp; được Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thu nhận làm gia tướng.
Tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa lập nhiều chiến công trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ hai và lần thứ ba; ông đã giết được hai tướng giặc là Trương Ngọc và ABatXích. Ông được vua Trần Anh Tông yêu mến, gả con gái là công chúa Nguyệt Hoa cho (Có tài liệu ghi là Ngọc Hoa) và được phong là An nghĩa đại vương.
Khi ông mất được nhân dân 82 làng thờ, tôn làm Thành Hoàng làng; từ thôn Đầu, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, thành phố Hà nội đến làng Hội Xuyên (Làng Cuối), huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Phần lăng mộ tướng quân Nguyễn chế Nghĩa ở cánh đồng Tây - Bắc làng Hội Xuyên (Làng Cuối) (Gần trường THCS và trường THPT thị trấn Gia Lộc), nơi an nghỉ của danh tướng sau khi người qua đời năm 1341. ở đây còn có lăng của công chúa Nguyệt Hoa, công tử Sùng Phúc (Con trai của.
tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa) và lăng của phụ mẫu tướng quân. Hàng năm đến ngày giỗ các làng thường tổ chức lễ rước trọng thể tướng quân từ lăng về đình làng mình thờ phụng
(3) Đức Thành Hoàng làng (Hay Thành Hoàng làng): Là vị thần được thờ trong các làng xã Việt Nam . Trong phạm vi gia đình người Việt thờ Tổ tiên và vài vị thần như: Thổ công, Táo quân, Thần tài...; còn ở phạm vi làng, xã thì thờ Thành Hoàng làng. Thành Hoàng làng cai quản và quyết định phúc hoạ của làng đó.
(4) Đình làng Phương Điếm (Tên cũ thôn Giỗ): Thờ phụng tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa có công chống giặc Nguyên - Mông thế kỷ thứ XIII và Tiến sỹ Đỗ Quang (Người dòng họ Đỗ ở làng Phương Điếm) có công chống Pháp ở thế kỷ XIX. Đình cũ có quy mô lớn gồm: 2 toà, 13 gian và 7 gian từ đường, nhưng đã bị phá huỷ thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp. Sau này nhân dân trong thôn đã góp công, góp của xây dựng lại 3 gian khá khang trang.
Trong năm 2010 dân làng tự quyên góp kinh phí xây dựng lại ngôi đình cho tương xứng với tầm vóc của một di tích được Nhà nước xếp hạng.
Trước đây nhân dân thôn Phương Điếm thường gọi là bông huê hay cây huê; kiêng gọi chữ hoa là tên của công chúa Nguyệt Hoa vợ Thần hoàng làng Nguyễn Chế Nghĩa và kiêng gọi đôi quang mà gọi là đôi gióng, để tránh tên tục Tiến sỹ Đỗ Quang. Cũng như phong tục của người Việt thường gọi bố mẹ theo tên con trưởng kiêng gọi trực tiếp tên tục. Về sau thế hệ trẻ bỏ tục kiêng kỵ này vì cho như thế là không cần thiết.
Di tích được Nhà nước xếp hạng năm 1989
(5) Chùa Phúc Hưng trước đây được xây dựng ở phía Bắc thôn Phương Điếm (Nay là khu bệnh viện Đa khoa huyện Gia Lộc). Theo một số cụ có tuổi trong làng cho biết: Trong kháng chiến chống thực dân Pháp nhân dân đã tự dỡ chùa để tiêu thổ kháng chiến(Cũng có  người cho là giặc Pháp phá  để phát  quang  tầm  ngắm). Chuông chùa được cất giấu ở giếng đình, khi khơi giếng tìm thấy và đang được lưu giữ tại chùa Phúc Hưng ngày nay. Giếng đình nay không dùng nữa đã cải tạo thông với ao đình tạo cảnh quan đẹp cho khu di tích Sau này nhân dân trong thôn tự quyên góp tiền của, bỏ công sức xây dựng lại trên nền đất khác sát khu di tích đình Phương Điếm. Năm 2005 được hội phật giáo quan tâm cử  Đại đức Thích Thanh Hiền về trụ trì. Kết hợp vốn đầu tư của hội phật giáo và quyên góp của nhân dân trong và ngoài địa phương đã xây dựng lại rất khang trang. Hiện nay chùa mới xây dựng xong phần cơ bản gồm: Chùa chính, nhà thờ tổ, đúc một chuông chùa nặng khoảng một tấn và một số công trình phụ trợ khác. Nhà chùa còn tiếp tục tìm nguồn kinh phí xây dựng tiếp một số hạng mục khác. Hiện nay công việc xây dựng chùa đang bước vào giai đoạn cuối.
Chùa được lấy tên cũ là chùa Phúc Hưng.
(6) Tương truyền khi đương thời tướng quân Nguyễn Chế nghĩa rất ưa thích môn chơi chọi gà.          

(Còn nữa)               

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét