23 tháng 2, 2016

THƠ HAIKU NHẬT BẢN (2) Tiếp theo


THƠ HAIKU NHẬT BẢN (2) Tiếp theo
(Đôi lời của người dịch và thơ của Yosa BUSON)

ĐÔI LỜI CỦA NGƯỜI DỊCH
Haiku là thể thơ ngắn độc đáo của Nhật Bản. Mỗi bài chỉ 17 âm tiết, chia thành ba phần, người Nhật viết liền một dòng nhưng khi dịch ra tiếng nước ngoài được ngắt thành ba câu. Vì chưa quen, người đọc lần đầu có thể hơi ngỡ ngàng, tuy nhiên, đọc kỹ và suy ngẫm, ta sẽ thấy thơ Haiku thật tinh tế. Mỗi bài, thường là một bức tranh phong cảnh nhỏ, một tâm trạng thoáng qua nhưng gợi cho ta nhiều điều. Nội dung và triết lý thơ Haiku không nằm ở câu chữ mà ở sự tưởng tượng của chính người đọc.
Thơ Haiku thật kỳ lạ. Ngắn và giản dị. Nhiều khi không nói gì hoặc nói điều chẳng đâu vào đâu, thậm chí tưởng như “ngớ ngẩn”. Thế mà càng đọc, (trong trường hợp của tôi là càng dịch), ta cứ bị cuốn hút bởi sự “không có gì” và “ngớ ngẩn” đó. Tôi có cảm giác người Nhật viết Haiku không phải để truyền tải ý, mà hình ảnh, những hình ảnh chấm phá giản dị. Hình như cũng không có ý định nói điều gì to tát về triết lý hoặc tình cảm như ta thường thấy ở các dòng thơ khác. Có lẽ vì thế mà người đọc phải quen dần để cảm nhận và yêu. Trên thế giới có rất nhiều người yêu và bắt chước viết thơ Haiku Nhật Bản. Hầu như nước nào cũng có Hội những người yêu thích loại thơ này. Thậm chí còn có trường dạy cả cách viết Haiku.
Bản thân tôi cũng phải trải qua một thời gian khá dài mới làm quen được. Cụ thể hơn 30 năm kể từ ngày tôi lần đầu tò mò tìm hiểu thơ cổ Nhật Bản, và đã dịch một ít, dịch có thêm vần, mà chỉ loại thơ năm câu (tanca) trong tập Manyoshu đồ sộ. Giờ thì tôi yêu, và kết quả của tình yêu đó là tập Thơ Haiku Nhật Bản lần này.
Đầu tiên phải nhắc đến ba cây đại thụ của thơ Haiku Nhật. Đó là Matsuo BASHO, Yasa BUSON và Kobayashi ISSA. Mỗi vị tôi dịch khoảng trên dưới nghìn bài. Riêng Basho tôi có hai bản dịch khác nhau, từ hai nguồn khác nhau.
Ngoài ba đại thụ nói trên, trong tập này tôi dịch một lượng khá lớn thơ khất thực và thơ thiền của Taneda SANTOKA, một trong những nhà thơ Nhật hiện đại được ưa thích nhất hiện nay, cũng như một số nhà thơ Haiku tiêu biểu khác.
Dưới đấy xin trích giới thiệu với độc giả Văn Học Nước Ngoài một số trong 3500 bài Haiku của cuốn sách đang chờ xuất bản này.
Thái Bá Tân
___________________


Yosa BUSON
Yosa Buson tên thật là Taniguchi Buson, sinh năm 1716 ở làng Kema, tỉnh Settsu, ngoại ô thành Osaka, mất ngày 25 tháng 12 năm 1784, là thi sĩ và họa sĩ người Nhật trong thời kỳ Edo. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, năm 1737, ông đến thành Edo học vẽ và làm thơ theo Basho . Năm 1772, Buson ra mắt tập thơ đầu tiên . Người ta biết đến ông chủ yếu như một họa sĩ, và do là họa sĩ, thơ ông nhiều hình ảnh với những nét chấm phá độc đáo. Có thể ví ông như Vương Duy của Tung Quốc đời Đường. Cùng Matsuo Bashō và Kobayashi Issa, Buson được xem là một trong những nhà thơ vĩ đại nhất của Nhật Bản thời kỳ Edo
1
Bài thơ đầu năm viết xong...
Nhà thơ Haiku
Tự hài lòng.
2
Ngày dài hơn...
Đâu đó phía cầu
Con gà lôi vỗ cánh.
3
Ngày cứ dài thêm
Bâng khuâng nhớ lại
Những ngày xa xưa.
4
Chầm chậm, ngày tắt dần...
Để lại tiếng vọng
Trong góc nhỏ Kyôtô này.
5
Thầy tế ngủ gật...
Ống tay áo trăng trắng
Giữa hoàng hôn mùa xuân.
6
Trong căn lều nhỏ của tôi
Không cúng Phật nến và hoa...
Giờ hoàng hôn, tôi thấy buồn và sợ.
7
Ngủ trưa một chốc
Tỉnh dậy
Đã xế chiều.
8
Cho ai
Chiếc gối kia trên sàn
Giữa hoàng hôn mùa xuân?
9
Cánh cửa lớn ngoài cổng
Trầm tư
Giữa hoàng hôn mùa xuân.
10
Trăng mờ khói...
Ai đó
Đang đứng giữa vườn lê.
11
Cây lê nở hoa
Sang sáng dưới ánh trăng...
Một người đàn bà đọc thư.
12
Mưa xuân...
Gần như tối hẳn
Nhưng ngày chưa tắt.
13
Con sò nhỏ trên bãi biển...
Mưa xuân
Đủ để làm ướt nó.
14
Mưa xuân rơi...
Quả bóng trên mái nhà
Ướt như áo đứa trẻ.
15
Chọn lúc yên tĩnh
Và vắng người
Cây mẫu đơn nở hoa.
16
Cánh hoa mẫu đơn rụng
Chồng lên nhau...
Hai ba cánh một chỗ.
17
Mưa tháng Năm...
Các ngôi nhà nhìn ra sông...
Chính xác là hai.
18
Qua cầu...
Tay xách dép
Thật dễ chịu.
22
Con chim cu
Bay chéo
Qua kinh thành Hêian.
23
Giếng cổ...
Vang lên trong đêm
Tiếng con cá đớp muỗi.
27
Tự nhiên buồn
Khi leo lên đồi...
Hồng dại nở hoa.
28
Đêm hè quá ngắn...
Mảnh trăng gầy
Soi bãi nước nông bên sông.
29
Phòng người vợ đã chết...
Tôi lặng người khi vô tình
Dẫm lên chiếc lược của nàng.
30
Hơn cả năm ngoái
Giờ tôi thấy cô đơn..
Hoàng hôn mùa thu.
31
Được ở một mình
Giữa chiều hoang hôn
Cũng là hạnh phúc.
32
Cao trên trời
Trăng sáng đi qua
Con phố nghèo nàn này.
33
Tung dây câu
Gió thu thổi bay...
Cái cảm giác buồn buồn khó tả.
36
Mùa đông, nửa đêm...
Ai đó cưa gỗ
Tiếng cưa hình như cùn.
37
Chiếc dép cỏ
Lềnh bềnh dưới ao tù...
Tuyết nhẹ rơi.
42
Ngỗng bay thành hàng...
Trăng chấm dấu tròn
Bên lề bầu trời.
44
Gió thu, bên bờ biển...
Cá nhỏ phơi thành dây
Từ mái hiên.
46
Ừ, có lẽ
Mùa thu đã đến...
Tôi hắt hơi.
52
Buổi chiều, gió...
Nước
Vỗ vào chân con diệc.
53
Cao trên trời
Ngỗng bay như xếp chữ...
Trăng đóng dấu bên cạnh.
55
Qua đồng hoang...
Tôi cứ nghĩ
Như có ai đang đi sau tôi.
59
Rạng sáng...
Không bị chim cốc bắt
Con cá bơi trong vũng nước nông.
60
Trăng ngả về Tây
Bóng hoa
Đổ về Đông.
63
Cơn gió lạnh
Nhuộm trắng
Bầy chim bên hồ nước.
68
Mùa đông, lạnh...
Đắp chăn lên đầu
Hay chân?
69
Bị hạt mưa rơi trúng
Con sên
Vội khép vỏ.
70
Trong ao tù
Con ếch già thêm
Mỗi lần lá rụng.
71
Ngừng ngủ, ngừng bay
Con bướm nhỏ
Đậu lên chuông đại nhà chùa.
74
Cỏ dính sương mù
Nước lặng...
Tối rồi.
75
Dưới mưa mùa hè
Lối đi nhỏ
Mờ dần.
77
Trời mát...
Âm thanh tiếng chuông
Thong thả rời khỏi chuông.
78
Những lá cỏ non...
Tiếng thác nước
Nghe vừa xa vừa gần.
79
Con bướm trên tay tôi...
Nhẹ như không khí
Như không có gì.
80
Khi hoa anh đào rụng hết
Ngôi chùa trơ
Sau những cành lá trụi.
82
Thắp nến
Bằng lửa từ cây nến khác...
Đêm xuân.
88
Trăng trắng
Mỗi giọt sương
Trên ngọn gai.
97
Gió thổi từ phía Tây
Lá rụng
Dạt sang phía Đông.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét