23 tháng 2, 2016

THƠ HAIKU NHẬT BẢN (3) Tiếp theo



THƠ HAIKU NHẬT BẢN (3)
(Đôi lời của người dịch và thơ của Taneda SANTOKA)

ĐÔI LỜI CỦA NGƯỜI DỊCH
Haiku là thể thơ ngắn độc đáo của Nhật Bản. Mỗi bài chỉ 17 âm tiết, chia thành ba phần, người Nhật viết liền một dòng nhưng khi dịch ra tiếng nước ngoài được ngắt thành ba câu. Vì chưa quen, người đọc lần đầu có thể hơi ngỡ ngàng, tuy nhiên, đọc kỹ và suy ngẫm, ta sẽ thấy thơ Haiku thật tinh tế. Mỗi bài, thường là một bức tranh phong cảnh nhỏ, một tâm trạng thoáng qua nhưng gợi cho ta nhiều điều. Nội dung và triết lý thơ Haiku không nằm ở câu chữ mà ở sự tưởng tượng của chính người đọc.
Thơ Haiku thật kỳ lạ. Ngắn và giản dị. Nhiều khi không nói gì hoặc nói điều chẳng đâu vào đâu, thậm chí tưởng như “ngớ ngẩn”. Thế mà càng đọc, (trong trường hợp của tôi là càng dịch), ta cứ bị cuốn hút bởi sự “không có gì” và “ngớ ngẩn” đó. Tôi có cảm giác người Nhật viết Haiku không phải để truyền tải ý, mà hình ảnh, những hình ảnh chấm phá giản dị. Hình như cũng không có ý định nói điều gì to tát về triết lý hoặc tình cảm như ta thường thấy ở các dòng thơ khác. Có lẽ vì thế mà người đọc phải quen dần để cảm nhận và yêu. Trên thế giới có rất nhiều người yêu và bắt chước viết thơ Haiku Nhật Bản. Hầu như nước nào cũng có Hội những người yêu thích loại thơ này. Thậm chí còn có trường dạy cả cách viết Haiku.
Bản thân tôi cũng phải trải qua một thời gian khá dài mới làm quen được. Cụ thể hơn 30 năm kể từ ngày tôi lần đầu tò mò tìm hiểu thơ cổ Nhật Bản, và đã dịch một ít, dịch có thêm vần, mà chỉ loại thơ năm câu (tanca) trong tập Manyoshu đồ sộ. Giờ thì tôi yêu, và kết quả của tình yêu đó là tập Thơ Haiku Nhật Bản lần này.
Đầu tiên phải nhắc đến ba cây đại thụ của thơ Haiku Nhật. Đó là Matsuo BASHO, Yasa BUSON và Kobayashi ISSA. Mỗi vị tôi dịch khoảng trên dưới nghìn bài. Riêng Basho tôi có hai bản dịch khác nhau, từ hai nguồn khác nhau.
Ngoài ba đại thụ nói trên, trong tập này tôi dịch một lượng khá lớn thơ khất thực và thơ thiền của Taneda SANTOKA, một trong những nhà thơ Nhật hiện đại được ưa thích nhất hiện nay, cũng như một số nhà thơ Haiku tiêu biểu khác.
Dưới đấy xin trích giới thiệu với độc giả Văn Học Nước Ngoài một số trong 3500 bài Haiku của cuốn sách đang chờ xuất bản này.
Thái Bá Tân
___________________

Taneda SANTOKA
Taneda Santōka, tên khai sinh là Taneda Shōichi, sinh ngày 3 tháng Mười Hai năm 1882 và mất ngày 11 tháng Mười năm 1940. Năm 1902, ông vào học khoa văn trường Đại học tổng hợp Waseda, Tôkyo. Ở đây, ông bắt đầu nghiện rượu và bỏ học năm 1904. Năm 1911 ông bắt đầu dịch và in các tác phẩm của Ivan Turgenev và Guy de Maupassant trên tạp chí văn học Seinen với bút danh Santôka (Lửa trên đỉnh núi). Cũng năm ấy ông gia nhập nhóm các nhà thơ haiku nơi mình sống.
Cuộc đời Santôka đầy trắc trở với việc làm và gia đình, chủ yếu vì tật nghiện rượu của ông. Ông còn bị nhà chức trách bắt giam một thời gian vì nghi là cộng sản. Năm 1924, đang lúc say bí tỉ, ông nhảy vào tàu hỏa, chắc với ý định tự tử, nhưng người lái tàu kịp dừng trong gang tấc. Sau đó ông được người ta đưa vào chùa Hôon-ji, nơi nhà sư trụ rì cho gia nhập Hội Thiền Huynh Đệ.
Năm 1926, ông lên đường thực hiện chuyến đi đầu tiên trong nhiều chuyến hành hương khất thực của mình kéo dài tới ba năm. Ông mặc áo cà-sa, độ mũ tre rộng vành che nắng và tay cầm chiếc bát xin ăn dọc đường. Đó là một phần quan trọng trong cách tu hành của các nhà sư Nhật Bản thời ấy. Qua các bài haiku và những đoạn nhật ký ông viết lúc đi khất thực, người đọc biết ông đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả, đôi khi cả sự khinh bỉ của người đời. Năm 1936, ông bắt đầu chuyến đi theo lộ trình của nhà thơ haiku vĩ đại Bashô (1644 – 1694) và chỉ quay về sau tám tháng một mình lang thang xin ăn khắp nước. Cuối cùng ông vào sống trong một ngôi chùa nhỏ gần thành phố Matsuyama và qua đời khi đang ngủ, ngày 10 tháng 10 năm 1940, để lại bảy tập thơ haiku nổi tiếng được viết theo thể tự do không niêm luật.
1
Trời không mây
Nhìn qua cốc rượu mạnh
Trời thật sâu.
3
Vợ chồng cãi nhau
Đêm
Con nhện treo ngược.
4
Đường phố thật yên tĩnh
Một hố lớn
Đào trên bề mặt.
7
Mặt trời chói chang
Chân bước đi
Miệng xin ăn..
9
Cơ thể này
Còn sống
Tôi gãi nó.
10
Phản chiếu
Dưới nước
Một người đi trên đường.
12
Đường chạy thẳng
Về phía trước
Tôi bước một mình.
13
Để con chuồn chuồn
Đậu lên mũ
Tôi đi tiếp.
14
Tôi tiếp tục đi
Hoa huệ
Tiếp tục nở.
15
Tôi trượt
Ngã sầy chân
Núi vẫn lặng im.
16
Chân sầy trợt
Con chuồn chuồn
Đậu lên.
23
Chiếc áo nhà sư của tôi
Rách thế này đây...
Những hạt cỏ.
24
Say mèm
Tôi ngủ
Cùng những con dế.
25
Ấm. Ai đó
Đắp chiếc chiếu
Lên người tôi.
32
Trong phòng tắm
Đàn ông và đàn bà cãi nhau
Về các bức ngăn.
40
Không còn nhà nào nữa
Để gõ cửa xin ăn...
Mây trên núi.
43
Trời không mưa
Cũng chẳng sao...
Nhưng trời mưa.
44
Nền đất lạnh, rất lạnh
Kệ
Tôi cứ giao thân tôi cho nó.
45
Tâm trạng ủ ê...
Thì gột cái ủ ê ấy
Bằng nước tắm.
52
Nấu một mình
Ăn một mình
Bát canh Năm Mới.
57
Mình tôi
Nhóm lửa
Cho mình tôi.
58
Trời mưa...
Người đàn bà trên gác
Huýt sáo một mình.
59
Mây lạnh
Không hiểu sao
Cứ bay đi vội vã.
60
Đi giữa trời mưa phùn...
Phía sau
Trông mình thế nào nhỉ?
62
Mưa đá
Rơi gần đầy chiếc bát
Tôi dùng để xin ăn.
70
Lủi thủi đi
Giữa đường núi
Lủi thủi nói chuyện một mình.
75
Nước in bóng cây
Và bóng mây...
Con mèo chết trôi qua.
76
Đâu đó
Trong đầu tôi
Con quạ đang kêu.
84
Cả kiến
Cũng đi bộ
Suốt ngày trên núi.
100
Suy cho cùng
Một mình là tốt nhất...
Cỏ dại.
102
Một ngày trời ấm
Hơn thế
Trên tay có cái ăn.
114
Chẳng còn gì nữa
Ngoài cái chết...
Núi lờ mờ trong sương.
122
Không muốn chết
Không muốn sống...
Gió thổi trên đầu.
133
Một cây ngã
Chắn đường...
Thì ngồi lên nó.
134
Cây măng
Đang dần trở thành cây tre...
Thế là tử tế.
143
Cú mèo theo cách cú mèo
Tôi theo cách tôi
Không ngủ được.
Thái Bá Tân
Dịch từ tiếng Anh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét